Chuyên mục
Ảnh hoạt động
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
56
22084563

Giới thiệu quyển sách “Sự tích và giai thoại về địa danh Việt Nam”

31/10/2024 08:15 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Truyện về địa danh được nhắc đến trong kho tàng truyện kể, một số sách khác được ghi chép tài liệu cũ như loại cổ sử hoặc địa phương chí. Truyện địa danh thường được gọi là truyền thuyết địa danh nhưng thực ra không phải tất cả các truyện đều là truyền thuyết mà có liên quan đến nhiều thể loại khác.

Những địa danh bao giờ cũng có một giá trị nhất định, làm thỏa mãn nhu cầu tri thức nhu cầu mỹ cảm của khách du lịch, tham quan và trước nhất là khẳng định lòng tự hào về địa phương của dân bản địa. Để giúp chúng ta tìm hiểu thêm về ý nghĩa của truyện địa danh, Thư viện tỉnh Vĩnh Long trân trọng giới thiệu quyển sách: “Sự tích và giai thoại về địa danh Việt Nam” của tác giả Vũ Ngọc Khánh do nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xuất bản vào năm 2021.

28 (31.10.2024) su tich va giai thoai ve dia danh vn.jpg

Quyển sách gồm 4 phần: Tìm hiểu sự tích các địa danh; Địa danh gắn liền với thần thoại và truyền thuyết; Địa danh gắn liền với cổ tích và dã sử; Địa danh gắn liền với giai thoại được tác giả thu thập và sắp xếp lại một số truyện địa danh đã có sẵn lâu nay, trong những truyện cổ tích, nhiều tập địa phương chí, nhiều mẩu chuyện rải rác trên báo chí,…

Những câu chuyện về địa danh nhằm giải thích các hiện tượng tự nhiên; ghi lại dấu ấn những chiến công của ông cha ta; những giai thoại về những danh nhân khai cơ lập nghiệp, các anh hùng của từng địa phương nhằm gửi gắm vào đó một ý nghĩa sâu xa trong từng câu chuyện, ghi nhớ thành quả lao động, tỏ lòng biết ơn và ngưỡng mộ các vị anh hùng cứu nước, hoặc để lưu giữ trong ký ức ngàn đời về một sự kiện lịch sử, một hiện tượng xã hội.

Câu chuyện truyền thuyết “Đá trông chồng (Hòn vọng phu)” làm chúng ta cảm động về tình cảm thủy chung của người vợ tên Tô Thị đứng bồng con trông ngóng chồng về đến hóa đá do gió bấc tuyết sương. “Hòn vọng phu” hiện ở đỉnh núi Tam Thanh, tỉnh Lạng Sơn.

Tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa “Núi Nhạn Tháp”, sách cho ta tự hào về tài mưu trí của ông Lương Văn Chánh giành thắng lợi trước quân Chiêm Thành với cuộc thi xây tháp bằng tre rồi lấy màu phết lên cho giống màu những viên gạch, nhờ vậy đã xây tháp nhanh và trước địch. Ông còn thắng trong cuộc thi thách đố đốt cháy tháp nhanh hơn, nhờ vậy địch đành quy hàng và giao phần đất Phú Yên cho người Việt. Tháp Nhạn ngày nay thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Cô gái tên là Phsa-desk trong câu chuyện “địa danh Sa Đéc (Đồng Tháp)” có tính tình nhân hậu và xinh đẹp nhưng cha cô là người giàu có, độc ác. Sau khi cha cô qua đời, Phsa-desk đem gia sản thừa hưởng của ông chia cho dân nghèo trong vùng và dùng vào việc đắp đường bồi lộ, xây cất một nhà lồng chợ. Ngôi chợ ấy mang tên là chợ Phsa-desk, lâu ngày nói chệch đi thành Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp ngày nay. Đọc chuyện chúng ta vừa hiểu địa danh Sa Đéc vừa cảm động trước tấm lòng nhân hậu của cô Phsa-desk.

Và còn nhiều câu chuyện ngắn gọn, dễ hiểu trong quyển sách giúp chúng ta tìm hiểu thêm về những địa danh với những câu chuyện cổ mang nhiều ý nghĩa và giá trị sâu sắc.

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc! Ký hiệu môn loại: 915.97/S550T

Cúc Hương

Văn Bản Mới
Video