Chuyên mục
Ảnh hoạt động
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
16
22799274

Giới thiệu quyển sách “Bác Hồ với giáo dục”

07/01/2025 09:16 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Giáo dục đóng vai trò quan trọng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Giáo dục là nhân tố, là chìa khóa, là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển; chính phủ các nước đều xem giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Ở Việt Nam, giáo dục vẫn luôn được ưu tiên hàng đầu trong mục tiêu phát triển của đất nước, điều đó được thể hiện rõ tại khoản 1 Điều 61 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, theo định hướng: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.”

Để góp phần tôn vinh vai trò của giáo dục và chào mừng Ngày Quốc tế Giáo dục 24/01 Thư viện tỉnh Vĩnh Long trân trọng giới thiệu đến bạn đọc quyển sách có nhan đề “Bác Hồ với Giáo dục”, do Nhà xuất bản Giáo Dục và Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp biên soạn, GS. Nguyễn Như Ý và TS. Nguyễn Thị Tình đồng chủ biên. Sách được phát hành năm 2007, khổ 24 x 32cm.

1 (7.1.2025) bac ho voi giao duc.png

Bạn đọc xem video tại: https://youtu.be/3THteqnlnFw

Bác Hồ với Giáo dục” là một quyển sách ảnh nói về lãnh tụ Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn đã ăn sâu trong ký ức của hàng triệu người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Quyển sách thuộc mảng sách Tham khảo đặc biệt, với độ dày hơn 300 trang, nội dung sách được chia làm ba chủ đề: “Bác Hồ -  Người đặt  nền móng và xây dựng nền giáo dục dân chủ mới; Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết; Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.

Quyển sách sẽ cung cấp cho bạn đọc trong và ngoài nước những bức ảnh, những câu nói, mẫu chuyện, đoạn trích phản ánh một cách sinh động tư tưởng, tình cảm, niềm vui, nỗi trăn trở, ước mong của Bác Hồ đối với sự nghiệp giáo dục con người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để phát triển đất nước.

Trong thư Bác gửi đồng bào xã Duyên Trang, huyện Tiên Hưng, Thái Bình, ngày 13/11/1947, Bác đã viết: “Học hành là vô cùng. Học càng nhiều, biết càng nhiều càng tốt”.

Lật mở từng trang sách bạn đọc sẽ thấy được hình ảnh Bác Hồ gắn liền với sự nghiệp giáo dục từ bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” do Nguyễn Ái Quốc thay mặt nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi đến hội nghị Véc-Xây năm 1919; bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc, Đảng xã hội Pháp ở thành phố Tua (Tours), tháng 12 năm 1920, đến các bức ảnh Bác Hồ với các cháu mẫu giáo, các cháu thiếu sinh quân, với học viên trường sĩ quan chính trị ở Việt Bắc, với các em học sinh, với các thầy, cô giáo…

Điều đặc biệt là, quyển sách còn giới thiệu nhiều bức ảnh là bút tích, văn bản, thư từ gắn liền với ngành giáo dục như các sắc lệnh được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký vào ngày 8/9/1945, đó là sắc lệnh số 17 về việc lập ra Bình dân học vụ; Sắc lệnh số 19 về mở lớp học buổi tối trong cả nước cho nông dân và thợ thuyền; Sắc lệnh số 20 về việc học chữ Quốc ngữ đối với người Việt Nam.

Quyển sách “Bác Hồ với Giáo dục” phản ánh hiện thực không phải bằng ngôn ngữ văn tự mà bằng hình ảnh. Khi xem quyển sách chúng ta như có một cuộc gặp gỡ đầy thú vị với nhân vật trong ảnh nhờ vào các đường nét, bố cục, màu sắc, phối cảnh…làm cho sách có sự cuốn hút bạn đọc.

Sách hiện đang lưu trữ tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Địa chỉ số 78 Nguyễn Huệ, Phường 1, thành phố Vĩnh Long. Điện thoại: 02703.822281. Hân hạnh phục vụ quý bạn đọc!

Lê Hợp

Văn Bản Mới
Video