Chuyên mục
Ảnh hoạt động
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
50
22776610

Giới thiệu quyển sách “Nghĩa tình miền Tây”

06/01/2025 10:15 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Miền Tây Nam Bộ là vùng đất châu thổ đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.  Con người miền Tây Nam Bộ nổi tiếng chất phác, thật thà, thơm thảo, rộng lòng, khoáng đạt; vui buồn, yêu ghét hay tốt xấu đều bày tỏ thái độ, cách ứng xử thẳng thắn, bộc trực ra bên ngoài; không quanh co, màu mè, che đậy.

Miền Tây Nam Bộ còn là vùng đất trù phú với những đặc sản trái cây tươi, ngon; khung cảnh sông nước hữu tình, nên thơ làm xao xuyến, lưu luyến lòng người nếu đã một lần ghé nơi đây. Để giúp bạn đọc cảm nhận về điều này, Thư viện tỉnh Vĩnh Long xin trân trọng giới thiệu quyển sách: “Nghĩa tình miền Tây” của Nhiều tác giả do nhà xuất bản Hồng Đức xuất bản vào năm 2022.

72 (20.12.2024) nghia tinh mien tay.jpg

Quyển sách dày 479 trang tập hợp những bài viết ngắn gọn của các tác giả đã tham gia cuộc thi viết về “Nghĩa tình miền Tây” như: Trần Kỳ An, Lương Anh, Trương Quốc Toàn,… Mỗi bài viết chất chứa những cung bậc cảm xúc rất chân thật và gần gũi đời thường được hòa quyện trong những ngôn từ của các tác giả trên mọi miền đất nước đối với con người và vùng đất miền Tây sông nước thân thương.

Vĩnh Long thuộc vùng đất thuộc miền Tây tự hào với làng nghề gốm đỏ truyền thống ở huyện Mang Thít. Lò gạch bình dị ấy với những người thợ cần mẫn đã cho ra những viên gạch đỏ thắm từ những tảng đất thô sơ để lại bao nỗi nhớ nhung, bâng khuâng và hoài niệm đối với người dân trong tỉnh và những du khách phương xa. Làng nghề gốm đỏ nơi đây đã có lịch sử trên 100 năm nhưng vẫn giữ được nét văn hóa của một vùng quê yên bình, vừa sản xuất vừa phục vụ khách du lịch đến tham quan. Nền văn hóa truyền thống ấy vẫn còn tồn tại và vươn mình đứng dậy trong thời đại của kinh tế số và công nghệ số. Bạn đọc cảm nhận được sự quý trọng và giành nhiều tình cảm đối với làng nghề gốm ở Vĩnh Long của tác giả Đinh Thành Trung – người Hà Nội qua câu chuyện “Về “Vương quốc” gạch Mang Thít

Câu chuyện “Đình ông Nguyễn…”, tác giả Nguyễn Chí Ngoan thể hiện văn hóa truyền thống lễ giỗ ông Nguyễn Trung Trực lâu đời của người dân miền Tây. Truyền thống ấy vẫn lưu truyền và gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, nó thấm đẫm trong tâm hồn của người dân vùng đất Nam Bộ. Đọc chuyện bạn đọc cảm nhận được nghĩa tình của con người với nhau ở vùng đất thân thương này qua những trại cơm, cốc nước ven đường miễn phí hay trạm khám chữa bệnh cho người nghèo giữa cảnh nhộn nhịp quanh đình giúp những người đến cúng đình càng thêm ấm lòng. Lễ hội còn gắn kết quan hệ tình người với nhau dù mọi người đến từ mọi miền khác nhau với những bữa cơm dùng chung trong đình, những đêm ngủ trên vỉa hè, công viên của những người ở xa đến cúng đình. Đọc quyển sách, bạn đọc thấy được tấm lòng quý trọng của tác giả đối với lễ hội truyền thống cúng đình ông Nguyễn Trung Trực và tình cảm đối với con người và vùng đất Nam Bộ thể hiện một cách sâu sắc.

Vùng đất châu thổ đồng bằng sông Cửu Long được thiên nhiên ban tặng phù sa giúp cây trái, hoa màu được mùa quanh năm, cá, tôm đầy sông vào mùa nước nổi. Con sông phù sa nơi miền Tây gắn liền với ký ức tuổi thơ của mọi người với những buổi tắm sông đuổi bắt chuồn chuồn, xem những con cò trắng thong thả bay mà không sao quên được. Do biến đổi khí hậu, dòng sông ngày càng bị hạn mặn làm cho nước cạn đồng, đất bạc màu, cây lúa, vườn cây khát nước chưa kịp ra hoa kết trái,…Bạn đọc cảm nhận điều này qua câu chuyện “Thương nhớ phù sa” với nỗi chạnh lòng và hối tiếc về cơn hạn hán hoành hành ở khắp miền Tây của tác giả Cao Thanh Mai.

Câu chuyện “Giỗ quải miền Tây” của tác giả Lê Quang Trạng thể hiện truyền thống của người dân nơi đây nhằm sum họp gặp mặt nhau, kể nhau nghe về chuyện đời, chuyện người, nhắc nhở con cháu cội nguồn của gia tộc và biết được món ăn mà người mất yêu thích để dâng lên cúng,…Đám giỗ ở miền Tây là nơi để những người nơi đây làm mai mối cưới xin được thành vợ, thành chồng như cậu, mợ Năm của tác giả trong câu chuyện, để rồi họ từ không quen biết nhau trở thành sui gia thân tình như câu viết trong chuyện: “Mà gặp nhau còn mang ý nghĩa để tụi nhỏ biết mặt bà con, dây mơ rễ má. Có lẽ vậy mà hai chữ bà con ở miền Tây thường dài rộng vô chừng, như rễ của một cây cổ thụ tỏa đi khắp nơi, để rồi đụng đâu cũng thấy cùng một cội” (Tr. 398)

Còn nhiều câu chuyện thể hiện cảm xúc của các tác giả đối với món ăn, vùng đất, văn hóa, phong tục,…miền Tây như: Cơm tấm “giờ này còn gần nhau” của tác giả Lê Hồng Xương; Thương miền Tây qua lời ca, tiếng hát của tác giả Hà Hương Điệp; Chợ Lách, Cái Mơn “Một thời để nhớ” của tác giả Nguyễn Hoàng Thảo; Làm rể miền Tây của tác giả Nguyễn Hội,…Những bài viết thật ngắn gọn, mộc mạc, chân thật, dễ hiểu nhưng thể hiện tình yêu sâu sắc của các tác giả đối với vùng đất và con người miền Tây. Đọc quyển sách, bạn đọc đôi lúc không khỏi lắng đọng và xao xuyến về tình người và tình yêu quê hương trong từng câu chuyện.         

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Ký hiệu môn loại: 895.92234/NGH301T

Cúc Hương

Văn Bản Mới
Video