Chuyên mục
Ảnh hoạt động
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
44
22169750

Giới thiệu sách “21 năm nối lại đôi bờ”

06/12/2024 08:44 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954 – 2024), nhằm giúp độc giả hiểu thêm về sự kiện đặc biệt này qua những chuyện kể của các chứng nhân lịch sử, Thư viện tỉnh Vĩnh Long trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc quyển sách “21 năm nối lại đôi bờ” có độ dày 404 trang

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết năm 1954, vĩ tuyến 17 được lấy làm ranh giới quân sự tạm thời, chia cắt nước Việt Nam làm hai miền đồng thời tiến hành các hoạt động tập kết quân đội. Với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta đã chủ trương đưa chiến sĩ, cán bộ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hiệp định Giơnevơ đã nêu rõ sau 2 năm khi tổng tuyển cử được tổ chức trên toàn quốc thì đất nước sẽ thống nhất nhưng Ngô Đình Diệm với sự hậu thuẫn của Mỹ đã tráo trở vi phạm, không thi hành hiệp định, khiến nước ta phải bị chia cắt suốt hơn hai mươi năm dài đằng đẵng.

Kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954 – 2024), nhằm giúp độc giả hiểu thêm về sự kiện đặc biệt này qua những chuyện kể của các chứng nhân lịch sử, Thư viện tỉnh Vĩnh Long trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc quyển sách “21 năm nối lại đôi bờ” có độ dày 404 trang, được nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát hành năm 2019, sách do Nguyễn Long Trảo sưu tầm và ghi chép. Từng là một người con miền Nam tập kết ra Bắc, tác giả đã ghi lại những hồi ức, nhật ký, những câu chuyện giàu cảm xúc với cả lòng biết ơn và sự tri ân những người đồng đội, đồng bào qua từng trang sách “21 năm nối lại đôi bờ”.

54 (6.12.2024) 21 nam noi lai doi bo1.jpg

Nội dung quyển sách gồm 4 phần:

Phần thứ nhất - Chuyện những người đi tập kết

Kể về những cuộc đưa tiễn thấm đẫm tình sâu nghĩa nặng giữa đồng bào và chiến sĩ, những hình ảnh thân thương những xúc cảm nghẹn ngào giữa người con miền Nam với người thân, người yêu nơi miền quê trước khi lên đường tập kết theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Dẫu ai cũng có những niềm riêng nhưng họ đều có chung một niềm tin sắt đá rằng hai năm sau tổng tuyển cử sẽ lại được sum vầy… nhưng đâu ai biết lần đi ấy lại kéo dài hơn hai mươi năm để có được ngày non sông được nối liền một dải.

Phần thứ hai - Chuyện những người đi “B”

Trong những người tập kết ra Bắc có nhiều cán bộ tập kết trở về miền Nam tham gia chiến đấu theo Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng về Cách mạng miền Nam. Phần này tác giả kể về những người thân đi “B” gồm anh Ba Thanh Nha, anh Bảy Noãn và đồng chí Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân).

Phần thứ ba - Chuyện những người ở lại

“Đi hay ở đều là nhiệm vụ”, bên cạnh những người đi tập kết ra Bắc và những người đi “B” phần này tác giả đặc biệt kể về những người tự nguyện ở lại miền Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ, cho ta sự thấu hiểu những gian khổ chịu đựng và anh dũng chiến đấu của “những người ở lại”.

Phần thứ tư - Tấm lòng nhân dân miền Bắc

Phần này tác giả trích dẫn một số câu chuyện điển hình của nhà văn – chiến sĩ Lý Tiến Dũng để minh chứng cho những cống hiến to lớn của hậu phương miền Bắc đối với miền Nam thân yêu, vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Như lời bài hát “Lời ca thống nhất” của nhạc sĩ Trần Quý:“Núi sông nào ngăn cách, lòng Nam Bắc chẳng thể chia/ Tiễn chân đoàn con ra Bắc, lòng mẹ già mong ước ngày thống nhất đất nước…”, nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, nhân dân hai miền luôn đoàn kết một lòng vượt qua muôn vàng khó khăn, gian khổ. Và rồi niềm tin son sắt “Bắc – Nam liền một dải” thực sự đã đến, sau 21 năm với những mất mát, chia ly, đất nước Việt Nam đã được thống nhất.

Qua “21 năm nối lại đôi bờ” tác giả Nguyễn Long Trảo đã trao gửi những ký ức quý báu của mình đến các thế hệ hôm nay, những câu chuyện bi tráng của người trong cuộc giúp người đọc thấu cảm nỗi đau của sự chia cắt, thấm thía những hy sinh xương máu của các anh hùng, liệt sĩ.., để càng trân quý hơn giá trị của nền độc lập, cuộc sống hoà bình hôm nay.

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Quỳnh Như

Văn Bản Mới
Video