Đang truy cập
Tổng truy cập
31
22168303
Di tích lịch sử văn hóa Vĩnh Long
Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất Vĩnh Long ngày nay được hình thành gần 300 năm (1732 – 2022), nơi hội tụ nhiều giá trị lịch sử văn hóa do các bậc tiền nhân nối tiếp nhau kiến tạo nên. Song hành cùng việc chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên là bề dày lịch sử chống ngoại xâm bảo vệ quê hương của người dân đất Vĩnh. Cùng với đó là sự đa dạng các sắc thái văn hóa của vùng đất mang đậm dấu ấn của các tộc người di trú, họ đến định cư, khai phá và dần thích nghi điều kiện sống trong môi trường mới.
Và để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tri ân công đức các bậc tiền hiền khai hoang, lập ấp, đấu tranh bảo vệ cuộc sống ấm no cho người dân, các khu lưu niệm, đình, chùa, đền, lăng, miếu,… được ra đời - nơi thực hiện chức năng tôn giáo, tín ngưỡng và giáo dục trên vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.
Theo thời gian các cơ sở đã trở thành di tích, lưu truyền được các giá trị lịch sử dân tộc, bản sắc văn hóa cộng đồng. Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), Thư viện tỉnh Vĩnh Long trân trọng giới thiệu quyển sách “Di tích lịch sử văn hóa Vĩnh Long” do Ban Quản lý Di tích tỉnh Vĩnh Long tổ chức biên soạn, được Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ ấn hành, với độ dày 225 trang. Nội dung sách khảo tả khái quát các loại hình di tích đã được các cấp công nhận trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Bên cạnh đó, quyển sách giới thiệu về Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, tọa lạc Khóm 2, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, nơi lưu giữ những ký ức về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Sáu Dân, một người trọn đời vì nước vì dân. Công trình được khởi công xây dựng ngày 06/9/2010 và khánh thành ngày 23/11/2012 với tổng diện tích 17.000m2, gồm các hạng mục: Nhà trưng bày, nhà tưởng niệm, nhà nghỉ, cùng những cảnh quan trong khuôn viên tạo sự gần gũi thân thiện với khách tham quan.
Cũng thuộc địa phận huyện Vũng Liêm còn có khu quần thể di tích tượng đài Đốc binh Lê Cẩn, Nguyễn Giao và di tích Hồ Vũng Linh, tọa lạc ngã ba An Nhơn, thị trấn Vũng Liêm được xây dựng năm 2004 và khánh thành năm 2005, với tổng diện tích 2 ha, ghi dấu lịch sử vùng đất anh hùng.
Hay về với Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, tọa lạc ấp Mỹ Phú 1, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình để nghe về chiến công của “ông vua vũ khí Việt Nam”, cha đẻ của ngành công nghệp quốc phòng. Công trình được khởi công xây dựng ngày 24/11/2013 và khánh thành ngày 18/5/2015. Khu lưu niệm có tổng diện tích 16.080m2, gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, thư viện, nhà lễ tân và quản lý, hội trường và quảng trường.
Cùng nằm trên địa bàn huyện Tam Bình là Khu Căn cứ cách mạng Cái Ngang, thuộc ấp 4, xã Phú Lộc, có tổng diện tích 53.880,6m2 được khởi công xây dựng giai đoạn một ngày 23/10/2002 và khánh thành 09/8/2003, giai đoạn hai ngày 18/02/2005 và khánh thành ngày 01/4/2006. Khu căn cứ tái hiện gần như trọn vẹn đời sống sinh hoạt, làm việc, chiến đấu của Tỉnh ủy và các bộ phận chuyên môn trong căn cứ dưới sự nuôi chứa, bảo vệ của nhân dân. Ngày 28/10/2016, Khu Căn cứ cách mạng Cái Ngang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Những dấu ấn lịch sử văn hóa trên vùng đất Vĩnh Long trong quyển sách này sẽ tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc di tích Văn Thánh miếu Vĩnh Long, tọa lạc đường Trần Phú, Phường 4, thành phố Vĩnh Long. Công trình được khởi công xây dựng năm Giáp Tý (1864) và hoàn thành năm Bính Dần (1866). Qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, năm 1991, Văn Thánh miếu được Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây được xem là một công trình đề cao Nho giáo, một biểu tượng của vùng đất học Vĩnh Long.
Cùng trên địa bàn thành phố Vĩnh Long, tọa lạc tại Khóm 4, Phường 5, thành phố Vĩnh Long là đình Long Thanh hay còn gọi Long Thanh võ miếu được xây dựng khoảng năm 1754. Đây là công trình mang đậm dấu ấn đình làng Nam Bộ. Theo thời gian với những lần đóng góp của người dân quanh vùng cho việc trùng tu tôn tạo, đến năm 1991, ngôi đình được Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Ngoài các khu lưu niệm, đình, miếu thì chùa cũng là một thiết chế văn hóa giá trị của vùng đất Vĩnh Long. Trên địa bàn tỉnh có nhiều chùa với kiến trúc và lịch sử nổi bật, trong đó có chùa Tiên Châu. Nằm trên cù lao An Bình hướng ra sông Cổ Chiên, chùa Tiên Châu hay còn gọi Tiên Châu Di Đà Tự. Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1740 do Hòa thượng Huỳnh Đức Hội khởi xướng. Sau nhiều lần tu bổ, năm 1994, chùa được Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Sự đa dạng văn hóa Vĩnh Long có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Hoa trong quá trình di cư và di tích Thất Phủ miếu – Chùa Ông là một trong những nét văn hóa đặc trưng đó. Công trình tọa lạc Khóm 1, Phường 5, thành phố Vĩnh Long được xây dựng năm 1872, mang đậm dấu ấn kiến trúc người Hoa. Năm 1994, Thất Phủ miếu được Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long còn mang dấu ấn của người Khmer qua các công trình chùa Khmer; trong đó có chùa Kỳ Son, một công trình kiến trúc độc đáo, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, biểu tượng văn hóa của người Khmer trên vùng đất Vĩnh Long. Chùa Kỳ Son tọa lạc tại ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình. Công trình được xây dựng năm 1812 và đến năm 2007 được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có tổng cộng 55 di tích được xếp hạng với nhiều loại hình khác nhau, trong đó 11 di tích thuộc cấp quốc gia và 44 di tích cấp tỉnh; mỗi loại hình của di tích biểu trưng cho giá trị lịch sử văn hóa của một thời kỳ. Tất cả các giá trị đó đã được ghi lại trong quyển sách “Di tích lịch sử văn hóa Vĩnh Long”.
Trong giai đoạn hiện nay, việc nghiên cứu, tìm hiểu về di tích là hoạt động rất cần thiết nhằm kế thừa một cách thích ứng những giá trị truyền thống trong môi trường hội nhập; bởi lịch sử văn hóa luôn phản ánh quá trình sinh sống và kiến tạo của con người, và di tích là thực thể ghi nhận những thành quả của cộng đồng với những thông điệp kết nối giữa quá khứ với hiện tại và truyền tải cho tương lai.
Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long là trách nhiệm chung của xã hội, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt là những người con đất Vĩnh. Vì thế, đây là một tư liệu quý cho bạn đọc tìm hiểu về một khía cạnh văn hóa lịch sử của tỉnh Vĩnh Long.
Sách hiện đang lưu trữ tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Hân hạnh phục vụ quý độc giả !
Ký hiệu sách: 959.787/D300T
Hồ Minh
- Giới thiệu quyển sách “Phở và các món nước” (16/12/2024)
- Giới thiệu quyển sách “Hoa với chức năng ẩm thực và chữa bệnh... (12/12/2024)
- Xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện tỉnh Vĩnh Long tích cực... (11/12/2024)
- Giới thiệu quyển sách “Nắng ngoài ô cửa sổ” (11/12/2024)
- Giới thiệu quyển sách “Phòng chống cháy nổ cho nhà và công trình... (10/12/2024)
- Giới thiệu quyển sách “Tuyển tập tranh cổ động tuyên truyền xây... (09/12/2024)
- Giới thiệu sách “21 năm nối lại đôi bờ” (06/12/2024)