Đang truy cập
Tổng truy cập
50
23434132
Hoàng đế Lê Thánh Tông - câu chuyện và giai thoại
Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) có tên thật là Lê Tư Thành, con thứ 4 của vua Lê Thái Tông. Ông lên ngôi năm 1460, lúc 18 tuổi, đặt niên hiệu là Quang Thuận. Năm 1470 đổi niên hiệu là Hồng Đức. Triều đại ông là giai đoạn thịnh vượng của nước ta, thực hiện được nhiều cải cách về kinh tế, chính trị, văn hóa. Ông đã mở rộng bờ cõi nước Đại Việt vào tận núi Thạch Bi, Đại Lãnh, ban hành Bộ luật Hồng Đức, cho vẽ Hồng Đức bản đồ, đặt lệ dựng bia ghi tên các tiến sĩ ở Văn Miếu. Ngoài việc trị nước, ông còn là một nhà thơ tài hoa, để lại nhiều tác phẩm văn học sáng giá, đặc biệt là Hồng Đức quốc âm thi tập. Để bạn đọc có thêm những tư liệu lịch sử về vị vua này, Thư viện tỉnh Vĩnh Long trân trọng giới thiệu đến bạn đọc quyển sách Hoàng đế Lê Thánh Tông - câu chuyện và giai thoại của Nxb Hồng Đức, phát hành năm 2021.
Giai thoại về vua Lê Thánh Tông được giới thiệu rất rõ trong phần Tiên đồng giáng trần. Tương truyền rằng, mẹ ông là Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Đến thế kỷ XV, sau khi lên ngôi, ông rất chú trọng sưu tầm văn hóa dân tộc và di sản văn hóa của cha ông. Có thể thời ấy đã từng phát hiện ra những văn bản có văn tự cổ và những văn bản ấy đã đến tay nhà vua. Ông và triều đình không thể lý giải được nên đã hư cấu thành câu chuyện về giấc mộng, nhằm gửi gắm những nghi vấn của mình cho hậu thế. Điều đó khẳng định rằng, chính vua Lê Thánh Tông là người đầu tiên trong lịch sử nước ta đã đề cập và nghiên cứu vấn đề chữ Việt cổ (Giấc mơ tìm lại nguồn gốc chữ Việt cổ). Tuy bận rộn với việc quốc gia đại sự nhưng ông vẫn dành thời gian để đọc sách, làm thơ, viết văn. Ông đã Ghi nhật ký bằng thơ và Cho khắc bài thơ Nôm đầu tiên vào bia đá. Trong số các giai thoại thú vị về vua Lê Thánh Tông, có một câu chuyện kể về mối tình ly kỳ giữa ông và một cô gái câm với các tình tiết vừa hư, vừa thực đan xe nhau được tác giả giới thiệu trong phần Nhân duyên thiên định giữa Hoàng đế và cô gái câm. Tuy là vị vua đa tài nhưng cũng rất đa tình, thể hiện ở phần Mối tình hi hữu của vua Lê Thánh Tông với cô gái gánh nước xứ Thuận Hòa và Điều chưa biết về mỹ nhân người Chiêm của vua Lê Thánh Tông.
Quyển sách Hoàng đế Lê Thánh Tông - câu chuyện và giai thoại giới thiệu về những giai thoại, những tài năng, những chính sách, những chiếu lệnh cũng như những công trạng của ông đối với đất nước. Song song đó, trong phần Phụ lục, bạn đọc được tìm hiểu thêm về Tính nhân đạo của Bộ luật Hồng Đức đối với phụ nữ và trẻ em; Lê Thánh Tông và những quy định về việc xử lý tội ngoại tình; Vua Lê Thánh Tông và những quy định về nghi thức hôn lễ.
Đọc Hoàng đế Lê Thánh Tông - câu chuyện và giai thoại bạn đọc sẽ nhận thấy rằng, vua Lê Thánh Tông là một vị vua tài đức vẹn toàn, ông chỉnh đốn lại bộ máy nhà nước, coi trọng sự học hành, mở rộng thêm bờ cõi để đất nước ta đạt được sự toàn thịnh. Công lao của ông đối với đất nước thật lớn lao. Ông trị vì được 37 năm, là một trong những vị vua ở ngôi lâu nhất trong số các vị vua Việt Nam.
Cuộc đời, sự nghiệp của Lê Thánh Tông được ghi chép, đánh giá trong nhiều tài liệu khác nhau và trong dân gian, những câu chuyện, giai thoại về ông rất nhiều, đa dạng phong phú, ly kỳ. Cuốn sách giới thiệu đến bạn đọc phần nào trong số ít những giai thoại và câu chuyện lý thú, qua đó giúp bạn đọc hiểu biết thêm phần nào qua các góc độ khác nhau về vị hoàng đế này.
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Thùy Nhung
- Giới thiệu quyển sách “Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình... (07/02/2025)
- Giới thiệu quyển sách “Bí kíp chống tuột Mood” (06/02/2025)
- Thư mục sách mới tháng 2.2025 (05/02/2025)
- Giới thiệu quyển sách “Quy tắc 5 giây” (05/02/2025)
- Giới thiệu quyển sách “Mỗi ngày một niềm hy vọng” (04/02/2025)
- Giới thiệu quyển sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cộng sản Việt... (01/02/2025)
- Giới thiệu quyển sách "Chế độ dinh dưỡng và phương pháp tập luyện... (24/01/2025)