Đang truy cập
Tổng truy cập
48
23438301
Giới thiệu quyển sách “Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình”
Trong văn hóa Việt Nam, tình cảm với quê hương thường xuyên được nhắc đến, bởi đó là nguồn gốc, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và cội nguồn của mỗi người.
Để bạn đọc hiểu hơn nỗi lòng của những người xa quê. Thư viện tỉnh Vĩnh Long trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc quyển sách “Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình” của tác giả Tống Phước Bảo, với độ dày 182 trang được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2022.
Bằng lối viết chân thành, sâu sắc và đôi khi có chút hoài niệm, Tống Phước Bảo khéo léo dẫn dắt người đọc qua từng câu chuyện, từng kỷ niệm, từ đó tạo nên một bức tranh sống động về cuộc sống nơi quê nhà, những hình ảnh đẹp đẽ, tuy giản đơn nhưng lại có sức mạnh cảm hóa mạnh mẽ đối với những ai đã và đang sống xa quê.
Đặc biệt, cụm từ "vọng cố hương" mang một nỗi nhớ quê hương sâu sắc, khi con người ở xa quê, nỗi nhớ ấy càng trở nên da diết. "Thương xứ mình" là cách thể hiện tình cảm, lòng yêu mến đối với quê hương, với những giá trị văn hóa, con người nơi ấy.
"Tìm Tết Bắc Giữa Sài Gòn" (tr.63) là một trong những câu chuyện trong quyển sách. Câu chuyện kể về hành trình tìm đúng phong vị ăn Tết Bắc; tìm gặp được những món ăn mang đậm hương vị Bắc đặc trưng giữa Sài Gòn. Từ cảm giác nhớ nhà, nhớ Tết cổ truyền “theo đúng chuẩn” của người miền Bắc phải đủ “bốn bát, sáu đĩa”; tác giả tìm kiếm những điều thân thuộc của Tết Bắc, như các món ăn đặc trưng Miến dong Bắc Kạn; Đậu phụ làng Mơ; Bánh chưng Tranh Khúc… phong tục cúng ông Công ông Táo, tiễn ông Công về trời, thăm mộ ông bà… Tất cả những điều này không chỉ là những hình thức, mà còn chứa đựng một giá trị văn hóa sâu sắc, là những ký ức, là sự gắn kết với cội nguồn.
Hay câu truyện "Lên xứ thông reo, nghe hoa xuân hát" (Tr.137) kể về hành trình của một người tìm về vùng đất “ngàn Thông” vào dịp Tết, nơi mà mùa xuân mang trong mình những âm thanh riêng biệt, những làn gió nhẹ nhàng và những khúc hát mùa xuân như vỗ về con người. “Mùa của mai anh đào nhuộm hồng thung sâu. Mùa của ban trắng thanh khiết những dốc sầu”; điểm nhấn của câu chuyện là hình ảnh hoa xuân biểu tượng của sự tươi mới, hy vọng và sự sống. Tác giả đã khắc họa hình ảnh một vùng đất đầy ắp những kỷ niệm và cảm xúc, nơi con người có thể tìm về để chữa lành và tìm lại những giá trị đích thực của cuộc sống.
Và còn rất nhiều câu chuyện như “Sài gòn Phở”; “Nghiêng mình nhớ quê”, “Thương món canh quê, thèm mùi Châu Thổ”; “Nghe mưa nhớ vị xưa”; “Sài Gòn một vòng, ấm lòng giữa đêm”; “Đường dài hy vọng, đất rộng nghĩa nhân” v.v…tác giả viết về những con người bình dị, những phong tục, tập quán đặc sắc của quê hương, đồng thời cũng gửi gắm những suy tư về sự phát triển của xã hội và sự thay đổi của đất nước trong bối cảnh hiện đại.
Qua những câu chuyện trong quyển sách “Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình” tác giả không chỉ mong muốn khơi dậy niềm tự hào về quê hương mà còn khuyến khích mỗi người trân trọng những giá trị tốt đẹp trong văn hóa dân tộc, dù rằng đã lâu lắm rồi chưa có dịp quay về, thăm lại cố hương.
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.
Huỳnh Khương
- Giới thiệu quyển sách “Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình... (07/02/2025)
- Giới thiệu quyển sách “Bí kíp chống tuột Mood” (06/02/2025)
- Thư mục sách mới tháng 2.2025 (05/02/2025)
- Giới thiệu quyển sách “Quy tắc 5 giây” (05/02/2025)
- Giới thiệu quyển sách “Mỗi ngày một niềm hy vọng” (04/02/2025)
- Giới thiệu quyển sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cộng sản Việt... (01/02/2025)
- Giới thiệu quyển sách "Chế độ dinh dưỡng và phương pháp tập luyện... (24/01/2025)