Đang truy cập
Tổng truy cập
42
28,832,425
Cảm nhận tập truyện “Trở về đất mẹ” nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7
Ngày 27/7 – ngày của tri ân, ngày mà mỗi người Việt Nam đều tưởng nhớ những người đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong không khí thiêng liêng của Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, được đọc tập truyện “Trở về đất mẹ”, do Nhà xuất bản Dân Trí phát hành năm 2022 là một trải nghiệm xúc động. Quyển sách dày 241 trang, tập hợp 7 bài viết báo chí viết về cuộc đời của những người lính – những người đã hiến dâng tuổi trẻ cho Tổ quốc, và có người, mãi mãi không trở về.
Mỗi bài viết trong tập sách là một mảnh ghép của ký ức chiến tranh, của hành trình trở về rất đỗi thiêng liêng. Trong bài “Trở về từ trong ký ức” của tác giả Ngô Thanh Long (Báo QB. Online), kể về hành trình sau 30 năm người lính Nguyễn Xuân Thanh tìm về quê hương khi ký ức chợt thức tỉnh, đây là câu chuyện dài thấm đẫm nhân sinh. Người đọc như được sống lại trong thời khắc nghẹn ngào ấy, khi những nụ cười và nước mắt cùng vỡ òa trong buổi gặp mặt sau 30 năm xa cách.
Còn trong bài “Ngày trở về” của tác giả Diệp Linh (Báo Tập đoàn TKSVN), tạo cho người đọc một cảm xúc nhẹ nhàng nhưng đầy lắng đọng. Khung cảnh bài viết là Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên vào những ngày tháng 7. Nghĩa trang liệt sỹ là biểu tượng thiêng liêng của lòng tri ân và ký ức không phai mờ. Dòng người về viếng mộ - từ những cựu chiến binh tóc muối tiêu đang nghẹn ngào bên phần mộ đồng đội, đến những người vợ, người con lặng lẽ bên phần mộ người thân - đã tạo nên một bức tranh cảm động về tình người và sự biết ơn. Đặc biệt, sự xuất hiện của những người không quen biết nhưng vẫn đến dâng hương khiến tôi cảm nhận rõ hơn tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Bài viết như một lời nhắc nhở sâu sắc về quá khứ và sự hy sinh lớn lao của các vị anh hùng liệt sĩ cho nền độc lập, tự do của đất nước.
Đặc biệt xúc động là bài viết “Ngày trở về của “đội quân nhà Phật”” (Báo Tuổi trẻ online) – một tên gọi đầy tính nhân văn mà người dân Campuchia dành cho bộ đội tình nguyện Việt Nam. Trong suốt 10 năm giúp đỡ nước bạn, Quân tình nguyện Việt Nam đã nổ lực không ngơi nghỉ, vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức để ngày 25/9/1989, “Ngày trở về” được tổ chức trọng thể tại đài Độc Lập, thủ đô Phnom Penh để tiển đưa các đơn vị Quân Tình nguyện Việt Nam trở về nước. Qua từng câu chữ, tôi cảm nhận được không chỉ là công lao của họ trong việc giải phóng đất nước bạn khỏi họa diệt chủng, mà còn là sự tôn trọng, lòng biết ơn sâu sắc mà nhân dân Campuchia dành cho người lính Việt. Chiến tranh không chỉ có đạn bom, máu đổ, mà còn là tình người, là nghĩa vụ quốc tế cao cả.
“Trở về đất mẹ” của tác giả Thành Công và Xuân Thọ (Báo Quảng Nam), bài viết cùng tên với tập sách. Bài viết kể về sự “trở về” không trọn vẹn – khi người thân chỉ còn là hài cốt, là ký ức, là nỗi niềm đau đáu của những người ở lại. Tôi đặc biệt xúc động với hình ảnh bà Thự khẽ nói “Về thôi, ông!” khi ôm lấy chiếc quách hài cốt liệt sĩ Võ Ngọc Lắm. Câu nói giản dị mà chạm thẳng vào tim, như gom lại tất cả tình yêu, nỗi nhớ và sự thủy chung của một đời người vợ. Ánh nắng tháng 7 trong bài không chỉ là ánh nắng của mùa hè, mà còn như dòng máu ấm của những người lính đã hy sinh, những người cựu chiến binh đang âm thầm làm nhiệm vụ cuối cùng cho đồng đội. Bài viết mang đến cảm giác trang nghiêm và thiêng liêng.
Bài viết không kém phần xúc động đó là bài “Ký ức không quên của Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia” theo TTXVN. Đây là bài viết mang tính tư liệu, tổng hợp nhiều lời kể, hồi ức và cảm xúc từ các nhân chứng lịch sử như: Đại tá Đặng Khắc Thỏa, Đại tá Đinh Văn Huệ, người lính tình nguyện Nguyễn Hòa Hiệp, Trần Văn Thuận…. Ở đó, người lính Việt không chỉ chiến đấu với kẻ thù, mà còn chiến đấu với bệnh tật, đói nghèo và sự khắc nghiệt của chốn rừng thiêng nước độc. Dù vậy, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và lòng tin vào ngày trở về đã giúp họ vượt qua tất cả.
Đến với bài “Trở về Sài Gòn giữa lúc ăn mừng chiến thắng” của tác giả Trần Thị Thắng. Bài viết khắc họa hành trình trở về đất mẹ đầy cảm xúc của đoàn văn công Việt Nam từ Campuchia. Giọng văn chân thành, mộc mạc nhưng chứa chan tình yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Khoảnh khắc đặt chân lên đất mẹ, “nghẹn ngào trào nước mắt”, thể hiện tình cảm thiêng liêng gắn bó máu thịt với quê hương. Tác giả không chỉ nói lên cảm xúc cá nhân mà còn hòa chung niềm vui chiến thắng của cả dân tộc. Lời cảm ơn gửi đến các chiến sĩ cảm tử “Cảm ơn các cảm tử quân đánh vào Sài Gòn để chúng tôi trở về Sài Gòn đẹp đẽ hoa lệ” càng làm nổi bật giá trị của sự trở về – không chỉ là hành trình thể xác, mà là hành trình của niềm tin và hy vọng. Hình ảnh tòa soạn đón ba người trở về giữa Sài Gòn như một giấc mơ ngàn đời đã thành hiện thực. Bài viết đã để lại trong lòng người đọc dư âm mạnh mẽ về một thời kỳ hào hùng, về sức mạnh gắn kết của tình yêu quê hương trong những năm tháng chiến tranh gian khổ.
“... Chúng tôi trở về Sài Gòn nguyên vẹn với không khí vui, hào hứng của dân tộc. Ngày trở về như vậy ai chẳng mơ…. Cảm ơn dòng lịch sử dân tộc đã đưa chúng tôi trở về Sài Gòn giữa lúc ăn mừng chiến thắng….”
Và bài “Niềm vui ngày trở về” đăng trên Báo Biên phòng mang đến một câu chuyện cảm động về hành trình trở về quê hương của một nhóm người dân tộc thiểu số từng sống du canh, du cư ở vùng biên giới A Lưới, Thừa Thiên Huế. Câu chuyện của ông Hồ Văn Pinh và anh Kê Un là minh chứng cho nghị lực vượt khó, niềm khát khao được trở lại nguồn cội – mảnh đất quê hương mình sinh ra. Họ từng rời đi để tìm sự sống, từng “lang bạt kỳ hồ” suốt hàng chục năm trời. Nhưng sau bao gian khó, họ vẫn chọn quay về. Hành trình ấy không chỉ là sự trở về mặt địa lý mà còn là sự kết nối sâu sắc với cội nguồn, văn hóa, bản sắc dân tộc. Niềm vui ấy không chỉ là được sống trên mảnh đất tổ tiên, mà còn là niềm hạnh phúc khi được Nhà nước công nhận, trao quốc tịch, và từ đó, vững tin xây dựng cuộc sống mới. Bài viết làm nổi bật sự gắn bó sâu sắc giữa con người với quê hương, đồng thời thể hiện vai trò của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống đồng bào vùng biên cương Tổ quốc.
Tập truyện “Trở về đất mẹ” là lời tri ân với những người lính thầm lặng đã viết nên lịch sử, là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay: hãy sống xứng đáng với những người đã không tiếc máu xương vì tương lai đất nước. Trong nhịp sống hiện đại, cuốn sách như một lời gọi về – về với cội nguồn, với ký ức, với lòng biết ơn sâu sắc nhất.
Sách hiện đang phục vụ tại Thư viện Vĩnh Long. Địa chỉ: Số 78, đường Nguyễn Huệ, Phường 1, thành phố Vĩnh Long. Điện thoại: 02703.822281.
Đọc sách số tại: http://tvvl.emiclib.com/Viewer/EBook/138660
Mời các bạn tìm đọc!
Môn loại: 895.9223/TR460V
Số ĐKCB: VV.042309
Lê Hợp
- Cảm nhận tập truyện “Trở về đất mẹ” nhân Ngày Thương binh - Liệt... (04/07/2025)
- Tác Giả Nguyễn Quang Chánh Nói Chuyện, Giới Thiệu Sách Và Trao... (26/06/2025)
- Giới thiệu quyển sách “Cha mẹ với việc giáo dục con trẻ” (24/06/2025)
- Giới thiệu quyển sách “Cha mẹ mỉm cười, con hạnh phúc” (23/06/2025)
- Thư Viện Vĩnh Long Tích Cực Đẩy Mạnh Công Tác Phục Vụ Cộng Đồng... (23/06/2025)
- Thư viện Vĩnh Long tham dự hội nghị sơ kết hoạt động Liên hiệp... (19/06/2025)
- Giới thiệu quyển sách “Hỏi - Đáp những vấn đề giáo viên, học sinh,... (19/06/2025)