Chuyên mục
Ảnh hoạt động
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
64
17812774

Cảm nhận quyển sách: “Búp Sen Xanh”

19/07/2024 07:00 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Dãy Trường Sơn xanh ngút ngàn ngã bóng như suối tóc bên dòng Lam giang đẹp tựa bức tranh thủy mạc của vùng Bắc Trung Bộ, Việt Nam, nơi thi nhân mặc khách trải lòng “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh; non xanh nước biếc như tranh họa đồ”.

Đến với Nghệ An không chỉ thưởng lãm cảnh đẹp thiên nhiên mà còn có hai địa danh luôn được mọi người trân trọng, quý mến, đó là làng Chùa (Hoàng Trù) và làng Sen, được diễn tả “Nhất vui là cảnh Kim Liên; cảnh tiên có cảnh, người tiên có người”. Hai địa danh này thuộc huyện Nam Đàn, là quê ngoại và quê nội, cũng là nơi gắn liền với tuổi thơ đầy sôi động của một bậc vĩ nhân, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất – Hồ Chí Minh.

Tiết trời chiều mùa Hạ ở vùng quê Bắc Trung Bộ vào ngày 19/5/1890, khi những đàn chim ríu rít trên ngọn cây, từng cơn gió đưa hương sen thơm ngào ngạt lan khắp xóm, tiếng lá reo, tiếng đồng xa vọng về, hòa lẫn trong những âm thanh ấy là tiếng khóc chào đời của đứa trẻ với khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú và sáng láng như lời cô An mừng vội, bị bà Đồ quát tháo, bởi vi phạm vào những điều kiêng kỵ trong dân gian khi trẻ mới chào đời.

Không gian tĩnh lặng, cùng sự hòa quyện giữa hương dầu lạc và làng khói nơi mà cụ đồ Hoàng Xuân Đường và anh nho Nguyễn Sinh Sắc vừa làm lễ tạ ơn tổ tiên, cầu phúc lành cho đứa cháu và đứa con thứ vừa chào đời. Nguyễn Sinh Côn, tự Tất Thành, một cái tên được ông ngoại đặt với hy vọng sẽ làm nên đại sự cho quốc gia và dân tộc khi trưởng thành.

Côn là ẩn nghĩa của tích về một loài cá hóa chim bằng, mang niềm mong ước vùng vẫy bốn bể, cho dù đường đời lắm chông gai, nhưng ắt sẽ thành công. Cho nên, tự Tất Thành là thế!     

Tác phẩm “Búp Sen Xanh” của Nhà văn Sơn Tùng, do Nhà xuất bản Thời Đại in và phát hành năm 2014. Sách thuộc thể loại tiểu thuyết, bao gồm 3 chương với 287 trang lược khảo về thời thơ ấu, thời niên thiếu và tuổi hai mươi của nhân vật Nguyễn Sinh Côn, con trai thứ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – Một con người hiếu để, ham học, suốt đời thanh liêm; mẹ là bà Hoàng Thị Loan – Một người phụ nữ đoan trang, đức hạnh, cả cuộc đời vì chồng vì con.

17 (18.7.2024) bup sen xanh2.jpg

Búp Sen Xanh” với ngòi bút và nghệ thuật ngôn từ của Nhà văn Sơn Tùng, Anh hùng Lao động, một người con của xứ Nghệ đã cho chúng ta có cái nhìn bao quát hơn về tinh thần yêu nước, xã hội thuộc địa và phong kiến ở vùng Bắc Trung Bộ, Trung Bộ, Đông Nam Bộ của Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Ở những nơi ấy, tuổi trẻ của Nguyễn Sinh Côn đã trải qua những tháng năm đầy hiếu động bên lứa bạn cùng làng, với tính cách ham học hỏi cùng tư chất thông minh bẩm sinh vượt thời gian, nhưng không kém phần ngoan hiền, lễ nghĩa. Hoàn cảnh gia đình đã tác động đến tuổi thơ phải bôn ba theo cha vào kinh thành Huế, để rồi cũng chính cậu bé ấy phải kiên cường chống chọi với số phận nghiệt ngã, nhưng không kém phần đau xót, mẹ qua đời khi cha vắng nhà, đứa em còn trong nôi; ngày tiễn mẹ về với tổ tiên, đứa em đói sữa khóc nhòe trên tay và rồi em cũng đi theo mẹ sau vài tháng. Ở cái tuổi 11, nhưng cậu bé Nguyễn Sinh Côn không quỵ ngã trước nghịch cảnh, vẫn đợi ngày cha về sẽ cùng hồi hương.

Một lần nữa, hoàn cảnh đã đưa thời niên thiếu của Nguyễn Sinh Côn – Nguyễn Tất Thành theo cha vào kinh thành Huế, chính môi trường nơi đây đã tạo cơ hội tiếp xúc với nhiều loại sách, báo tiến bộ và trí thức phương Tây, một trong số đó là được bước chân vào Trường Quốc học Huế – Một thiên đường trường học mà ai ai cũng mơ ước, nơi dành cho con của hoàng tộc và những bậc phú quý.

Cũng chính nơi đây, Nguyễn Tất Thành tận mắt chứng kiến việc mất tự do và cảnh sống cùng khổ của dân lành ngay trên mảnh đất mình sinh ra, hay những cuộc đấu tranh không có chiến lược rõ ràng từ những sĩ phu và nông dân yêu nước, để rồi họ bị đàn áp dã man bởi thế lực cầm quyền trong xã hội thời bấy giờ.

Trước khẩu hiệu “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” của Pháp đã thôi thúc chàng học sinh trẻ muốn tìm rõ bản chất của nó so với thực tế mà thực dân Pháp hô hào ở Việt Nam.

Với tư duy dám nghĩ, dám làm, cộng với tinh thần yêu nước bất diệt, Nguyễn Tất Thành đã xuôi vào phương Nam để tìm chân lý của “độc lập – tự do”. Trong những chuyến hành trình bôn ba ấy, chàng trai trẻ đã có duyên khi gặp nhiều người lái buôn đầy khí phách và trượng nghĩa hỗ trợ tích cực, cho dù là biển sâu hay núi thẳm; và điểm dừng chân cuối cùng của anh Ba là “Bến cảng Nhà Rồng”. Nơi đó, anh Ba đã hòa mình vào không gian sống của những con người bị bóc lột, nhưng đầy nghị lực, chất phát, hào phóng, nghĩa khí, khinh tài, cùng với tâm hồn nghệ sĩ đúng với tính cách người Nam Bộ.

Chốn thị thành hoa lệ của đất Sài Gòn, nơi có nhiều nhà cao tầng, xe hơi,  ánh đèn điện sáng lóa cả không gian tưởng chừng như là vùng đất hứa, nhưng thực chất phía sau ấy là cảnh những phu vác nơi “Bến cảng Nhà Rồng”, hàng ngày phải gồng mình hứng chịu những cơn tức giận vô cớ và ỷ thế từ những tên cai quản đang tiếp tay thực hiện chính sách bắt ép dân ta phải nuốt hận chuyển tài nguyên cho kẻ bóc lột. Tất cả những hình ảnh tận mặt chứng kiến đó, cùng với những ngày tháng anh Ba tham gia trải nghiệm thực tế đã thôi thúc quyết tâm phải ra đi thực hiện hoài bão lớn như mong ước của nhiều sĩ phu và nhân dân mình, trong đó có người cha thân yêu từ quan, quy ẩn.

Với tình cảm của người con xứ Nghệ, cuộc đời sáng tác của Nhà văn Sơn Tùng luôn ưu tiên phần nhiều cho những tác phẩm viết về Bác Hồ, trong đó có “Búp Sen Xanh” được xem như một kiệt tác làm lay động lòng người.

Tác phẩm “Búp Sen Xanh” không chỉ là thể loại tiểu thuyết đơn thuần viết về quê hương, tuổi thơ vui đùa bên bạn hay những năm tháng bôn ba theo cha chốn kinh thành và hành trình xuôi phương Nam thực hiện hoài bão vĩ đại với mốc thời gian là ngày “05/6/1911” tại “Bến cảng Nhà Rồng”, mà trong tác phẩm này, Nhà văn Sơn Tùng còn cho chúng ta thấy được tầm nhìn người để không lãng phí tài năng của vợ chồng cụ đồ Hoàng Xuân Đường đối với Nguyễn Sinh Sắc; tính trọn đạo, nghĩa tình, ham học nhưng không coi trọng quan trường của cụ Phó bảng; đức tính tần tảo, thủy chung son sắt, xuất giá tòng phu như bà Hoàng Thị Loan; tính gia giáo trong xã hội Việt Nam xưa; hay cấu trúc đặc trưng của làng quê Bắc Trung Bộ, cùng những làng điệu dân ca Ví Giặm và phong cách hát Xẩm là nền tảng để được UNESCO tôn vinh loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Ngoài ra, tác giả còn hướng người đọc đắm chìm vào không gian hữu tình của kinh thành Huế với núi Ngự Bình, chùa Thiên Mụ, cầu Tràng Tiền – cầu Thành Thái ngã bóng bên dòng Hương giang thơ mộng từng là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Côn trốn gia đình cùng lũ bạn ngâm mình nghịch nước; hay chợ Đông Ba thấp thoáng chiếc nón Huế truyền thống với tà áo dài thướt tha tung bay trong nắng vàng, nhưng không ồn ào và nhộn nhịp bởi những quy định cận kinh thành. Càng xuôi phương Nam, tính bộc trực, phóng khoáng nhưng đầy nghĩa khí của cư dân vùng đất mới thông qua các nhân vật như: Ông già Đờn, Tư Lê, Út Huệ, Sáu Đen, Chín Mập,…

Qua tác phẩm “Búp Sen Xanh”, Nhà văn Sơn Tùng đã dẫn người đọc hòa mình vào những cung bậc cảm xúc thăng trầm khác nhau của từng nhân vật, cũng như hiểu rõ hơn đặc trưng văn hóa vùng miền, giá trị truyền thống dân tộc và văn hóa phương Đông. Đặc biệt, độc giả cảm nhận được nghị lực phi thường để thực hiện hoài bão lớn từ khi còn là cậu bé Nguyễn Sinh Côn cho đến lúc mang tên Văn Ba bước lên tàu Latouche Treville bắt đầu cuộc hành trình vĩ đại suốt 30 năm.

Xin trích một đoạn trong bài thơ “Người đi tìm hình của Nước” của Nhà thơ Chế Lan Viên để kết lại những cảm nhận về tác phẩm của nhà văn tâm huyết viết về một bậc vĩ nhân của dân tộc ta:

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác

Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất

Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre.

Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ

Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương

Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở

Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương”.

Sách hiện đang lưu trữ tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long.

Hồ Minh


Văn Bản Mới
Video