Chuyên mục
Ảnh hoạt động
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
56
17812766

Giới thiệu sách “Nghi lễ và tập tục người Việt với phụ nữ”

12/07/2024 09:17 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Phong tục tập quán là toàn bộ thói quen thuộc về đời sống của con người, được hình thành từ lâu đời và được một cộng đồng, quần thể công nhận, xem đó như nếp sống được truyền qua nhiều thế hệ.

Mỗi địa phương, mỗi quốc gia sẽ có phong tục tập quán khác nhau. Trong cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán riêng. Đa số đều là thuần phong, mỹ tục có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều phong tục, tập quán có tác động đáng kể đến thúc đẩy bình đẳng giới. Quyển sách Nghi lễ và tập tục người Việt với phụ nữ do Nxb Hà Nội phát hành năm 2023, trình bày các tập tục và nghi lễ của phụ nữ Việt Nam về vấn đề cưới hỏi hôn nhân, sinh nở, tang ma, bao gồm các dân tộc như  Kinh, Tày, Dao, Mường, Thái, Nùng, Hmông, Sán Dìu…. Để từ đó, bạn đọc có một cái nhìn bao quát về văn hóa truyền thống đối với người phụ nữ ở các dân tộc.

15 (12.8.2024) nghi le va tap tuc.jpg

Về hôn nhân:

Trong đời sống tinh thần của người Việt, lễ cưới là một việc hệ trọng trong cuộc đời mỗi người. Nghi lễ đám cưới mang đậm phong vị dân tộc, được tổ chức khác nhau tùy theo từng vùng, miền, là phong tục tập quán đặc trưng nhất của dân tộc. Phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt trải qua nhiều giai đoạn lịch sử đã có nhiều biến đổi. Tuy nhiên, đám cưới của người Việt hiện nay vẫn trải qua bốn nghi lễ như: Dạm, hỏi, cưới và lại mặt, nhằm giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như những ý nghĩa quan trọng về một ngày lễ trọng đại của đời người. Đồng thời, dù dân tộc nào thì hôn nhân không chỉ đơn thuần là việc kết duyên của đôi lứa mà có ý nghĩa lớn hơn là truyền thống đạo lý của dân tộc, giáo dục về nghĩa vợ chồng trong các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, góp phần gắn kết cộng đồng, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Trong xu thế phát triển của xã hội hiện nay, những nét văn hóa đó càng cần được lưu giữ không chỉ để cho hôm nay mà phải để cho các thế hệ mai sau hiểu hơn, tự hào hơn về văn hóa của dân tộc mình.

Về sinh nở:

Việc sinh nở và nuôi dạy trẻ là giai đoạn bắt đầu, quan trọng nhất, được xem như là thai giáo. Bắt đầu là chuyện dưỡng thai. Khi có biểu hiện đậu thai, người phụ nữ mang thai phải kiêng giữ và được bảo vệ kỹ lưỡng. Những điều kiêng giữ khá nhiều, phụ thuộc quan niệm và tập tục của từng vùng, miền. Việc kiêng giữ tập trung ở các mặt: ăn uống, cử động về giao tiếp. Việc dưỡng thai của hầu hết các dân tộc được xem trọng, việc sinh nở còn quan trọng hơn; gắn với vai trò của các “mụ vườn”. Mỗi làng thường có một bà mụ lo việc sinh đẻ cho cộng đồng. Việc sinh con có thể tại nhà riêng hay tại nhà mụ. Những sinh hoạt tín ngưỡng, tập tục nêu trên thể hiện lòng thiết tha mong đợi và chào đón thành viên mới của gia đình với quan niệm nhân văn và niềm tin chân thành, trong đó đan xen những điều mê tín và các kinh nghiệm quý báu. Thời nay, trong điều kiện khoa học hiện đại, những điều kiêng giữ và các lễ cầu cúng được thu gọn theo hướng lược bỏ những điều lạc hậu, có thể chắt lọc trong kinh nghiệm dân gian nhiều điều bổ ích cho việc chăm sóc sinh dưỡng, nhất là phương pháp thai giáo.

Về tang ma:

Nghi thức tang ma được xem như sự tôn trọng và thành kính mà người còn sống dành cho người vừa mới qua đời. Đối với tập quán của người Việt Nam ta, linh hồn con người là một thứ vô cùng thiêng liêng và cao cả. Vậy nên việc tổ chức tang lễ cho người đã khuất cũng như chuẩn mực đạo đức in sâu trong tiềm thức của mỗi người từ xưa đến nay. Đối với dân tộc Kinh, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng, nhất là trong việc chuẩn bị đồ để liệm người chết, lau rửa, thay quần áo, lo nấu nướng để cúng lễ, chuẩn bị tiền vàng và đốt mã.

Quyển sách Nghi lễ và tập tục người Việt với phụ nữ thuộc Tủ sách văn hóa truyền thống phản ánh nét văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em. Theo thời gian, những nét văn hóa đó vẫn còn lưu lại ở một số các dân tộc. Đồng thời, đây cũng là một tư liệu quý giá cho những bạn đọc đang nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa vùng miền.

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

                                                                             Ký hiệu: 395.14/ NGH300L

Thùy Nhung

Văn Bản Mới
Video