Chuyên mục
Ảnh hoạt động
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
183
13286200

Giới thiệu quyển sách: “Tìm hiểu nông cụ cổ truyền Việt Nam”

08/04/2024 07:40 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Việt Nam là một quốc gia có truyền thống nông nghiệp, trong đó hoạt động canh tác lúa nước gắn bó lâu đời với người dân và đã trở thành một phần trong lịch sử văn hóa nước ta.

Trong canh tác lúa nước, nông cụ đóng vai trò rất quan trọng, góp phần hình thành nét đặc trưng văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.  

Nhân ngày Văn hóa các Dân tộc Việt Nam (19/4), Thư viện tỉnh Vĩnh Long giới thiệu đến bạn đọc quyển sách “Tìm hiểu nông cụ cổ truyền Việt Nam” do GS.TS. Ngô Đức Thịnh biên soạn, được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2019.

8 (8.4.2024) nong cu vn.png

Nội dung quyển sách được chia thành bốn phần trong tổng số 392 trang; mỗi phần sẽ giới thiệu đến bạn đọc những nông cụ truyền thống cho từng công đoạn trong chuỗi canh tác lúa ở nước ta.

Phần một giới thiệu về “các loại nông cụ làm đất truyền thống”, và các kiểu cuốc sẽ mở đầu nội dung này; đây cũng là loại nông cụ thực hiện bước đầu tiên trong canh tác, gắn bó từ buổi sơ khai nền nông nghiệp và phổ biến rộng khắp các khu vực.

Về chức năng, hình dáng các loại cuốc không chỉ phân hóa trong không gian mà còn biến đổi theo thời gian và nguyên liệu. Trên cơ sở đó, bạn đọc sẽ được tham khảo tiến trình lịch sử của các dạng cuốc qua những thời kỳ như: Văn hóa Sơn Vi, Bắc Sơn, hậu kỳ đá mới, đồ đồng, đồ sắt và về sau này.

Gậy chọc lỗ, thuổng, mai và xẻng là những loại nông cụ làm đất nhưng có chức năng khác; gậy chọc lỗ sử dụng ở khu vực đồng bằng, thuổng ở vùng núi và đồng bằng, mai và xẻng áp dụng cho khu vực ruộng nước ở thung lũng và đồng bằng.  

Việc ra đời của chiếc cày, bạn đọc sẽ thấy rõ sự phát triển theo hướng mở rộng phạm vi canh tác lúa. Trong nội dung này, tác giả đưa ra phương pháp so sánh các loại cày trên thế giới, trong đó có châu Á và khu vực Đông Nam Á, đồng thời nêu rõ yếu tố giao lưu trong chế tác các loại cày phù hợp từng vùng ở Việt Nam: Cày Việt, cày H’Mông, cày Xiêm-Khmer,  cày Chàm-Khu V, cày Java-Sumatra, cày Trung Quốc.

Trong khâu cuối cùng trước khi gieo cấy, nông dân phải làm cho đất tơi nhuyễn thành bùn nhão, cũng như các gốc rạ và cỏ bị đánh tơi ra, dìm xuống bùn bằng những nông cụ như: Bừa cào, bừa chữ nhi và bừa trục răng khế. Mỗi loại bừa, tác giả cũng nêu rõ các yếu tố: Sự thích ứng cho từng khu vực, loại đất khác nhau, cộng đồng và sự giao lưu tiếp biến trong chế tác.

Ngoài ra, trong phần một tác giả còn giới thiệu những nông cụ chặt phát nương rẫy của các cộng đồng người trong cả nước như: Các loại dao, rìu, phảng,…

Phần thứ hai giới thiệu về “các phương thức và dụng cụ tưới tiêu”; bạn đọc sẽ được tìm hiểu yếu tố nước đóng vai trò quan trọng trong canh tác, cùng những nông cụ truyền thống gắn liền với các công đoạn được tác giả chia thành hai khu vực: Một là tưới tiêu ở vùng núi và thung lũng; hai là tưới tiêu ở vùng đồng bằng.

Trong tưới tiêu ở vùng núi và thung lũng, nông dân thường sử dụng các loại nông cụ thể hiện nét đặc trưng văn hóa vùng như: Phai mường, phai nhánh, phai lái. Còn đối với đồng bằng, do địa hình, khí hậu và thủy lợi, nên việc tưới tiêu chủ yếu tập trung vào kênh, mương dẫn nước lên ruộng; từ đó nông dân có thể sử dụng gàu sòng, gàu giai, gàu guồng (xe dâng nước).

Phần thứ ba về “các phương thức và dụng cụ thu hoạch”; nội dung phần này được tác giả chia hai dạng gồm các phương thức và dụng cụ gặt lúa theo tiến triển của lịch sử và diện mạo hiện tại.

Hình thức thô sơ nhất là phương thức thu hoạch tuốt lúa bằng tay; ngoài việc dùng gậy đập lúa, kẹp đũa, dao gặt lúa, nông dân Việt Nam trước đây còn sử dụng các loại nông cụ như: Nhíp, vằng (vòng gặt), lưỡi hái, lưỡi liềm.

Công đoạn tiếp là người nông dân tách hạt lúa bằng nhiều hình thức như: Đạp bằng chân, bồ đập lúa, trâu bò đạp lúa. Sau khi tách hạt là phần tách vỏ trấu bằng cách nghiền, xay, giã từ nhiều công cụ thích ứng như: Bàn nghiền, cối xay, cối giã.

Phần cuối quyển sách tác giả đề cập đến “các phương thức và dụng cụ vận chuyển”, và chia thành hai hình thức là trên mặt đất (trên bộ) và mặt nước (dưới sông).

Đối với hoạt động trên bộ, tùy thuộc vào đặc điểm vùng và tộc người sẽ có những loại nông cụ thích ứng như: Gùi, gánh, đội, mang vác, sử dụng sức của gia súc kéo. Trong khi phương tiện vận chuyển trên sông truyền thống của nước ta mà tác giả biên soạn trong phần này để bạn đọc tìm hiểu là các loại thuyền và bè mang đặc trưng của nhiều vùng.

Quyển sách là một công trình nghiên cứu khá công phu của tác giả, tư liệu rất hữu ích cho hoạt động nghiên cứu về văn hóa nông nghiệp, đặc biệt là các loại hình công cụ canh tác truyền thống ở Việt Nam.

Sau khi xem hết nội dung quyển sách, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn trong canh tác lúa, mỗi loại nông cụ không thể hoạt động riêng biệt, mà là một bộ phận liên kết với nhau nhằm đáp ứng các khâu từ làm đất cho đến thu hoạch và vận chuyển sản phẩm.

Sách hiện đang lưu trữ tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Rất hân hạnh phục vụ quý độc giả!

Ký hiệu sách: VV.038123

Hồ Minh

Văn Bản Mới
Video