Đang truy cập
Tổng truy cập
46
28,770,199
Cảm nhận quyển sách “Bác Hồ – Nhà báo cách mạng”
Bác Hồ không chỉ là nhà cách mạng giải phóng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa, mà còn là một nhà báo lỗi lạc. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác đã viết hàng nghìn bào báo, với hàng trăm bút danh khác nhau, đăng tải trên khắp các báo trong và ngoài nước như: Báo Nhân Đạo, Thợ Thuyền, Tạp chí Cộng sản (Pháp), Sự thật, Thư Tín Quốc tế,…Đồng thời, Bác còn là người sáng lập, làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút của rất nhiều tờ báo lớn trong nước và nước ngoài như: Le Paria (Người Cùng Khổ), Thanh Niên, Thân Ái, Việt Nam Độc Lập… Mỗi bài báo, mỗi bài thơ, mỗi câu chuyện trên báo đều là những lời hiệu triệu, là ánh sáng soi đường cho dân tộc Việt Nam.
Tuy Bác đã đi xa, nhưng Bác đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một di sản vô giá, đó là tư tưởng của Bác. Tư tưởng Hồ Chí Minh là hiện thân của sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Nhằm giúp độc giả hiểu rõ và sâu hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, bao gồm các quan điểm về vai trò, chức năng, nhiệm vụ tính chất của báo chí; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo; về nghệ thuật để làm nên một tác phẩm báo chí và giá trị của tờ báo…. Và quyển sách "Bác Hồ – Nhà báo cách mạng”, do Phạm Thị Thu sưu tầm và biên soạn, Công ty TNHH Thương mại Đông Nam phối hợp với Nhà xuất bản Mỹ Thuật phối hợp xuất bản. Quyển sách là một công trình có giá trị lớn về tư tưởng, chính trị và báo chí, không chỉ giúp người đọc hiểu rõ hơn về vai trò đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, mà còn gợi mở nhiều bài học sâu sắc cho những người làm báo hiện đại.
Sách gồm ba phần chính, sắp xếp logic và hợp lý, giúp bạn đọc theo dõi quá trình hình thành, phát triển và những tác phẩm báo chí của Bác Hồ được đăng trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước:
Những bài viết trong phần 1: Quan điểm, tư tưởng về báo chí của Bác Hồ, đi sâu vào quan điểm, tư tưởng báo chí của Bác Hồ, với các bài viết dễ đọc, giàu lý luận nhưng cũng rất thực tiễn như:
Bác Hồ bén duyên nghề báo thế nào: Tìm hiểu con đường đến với nghề báo của Bác Hồ, từ những năm tháng hoạt động ở nước ngoài cho đến khi Người trở thành một nhà báo cách mạng.
Viết cho ai? Viết báo như thế nào? Làm báo để làm gì?: Phân tích đối tượng độc giả mà Bác hướng đến và mục đích sâu xa của việc viết báo trong sự nghiệp cách mạng.
Duyên nợ của Bác với báo chí: Khắc họa mối quan hệ gắn bó giữa Bác Hồ với báo chí, thể hiện qua những bài viết và tờ báo do Bác sáng lập.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí và tự do báo chí: Trình bày quan điểm của Bác về vai trò của báo chí trong xã hội và tầm quan trọng của tự do báo chí trong việc phục vụ lợi ích của nhân dân.
4 lời khuyên của Bác Hồ dành cho báo chí: Tổng hợp những lời dạy của Bác dành cho người làm báo, bao gồm việc phải trung thực, gần gũi với quần chúng, học hỏi kinh nghiệm của người, luôn cầu tiến, viết dễ hiểu và có trách nhiệm cao.
Qua các bài viết, bạn đọc có thể thấy tư tưởng báo chí của Bác là sự kết hợp giữa lý luận sắc sảo và thực tiễn phong phú, thể hiện rõ nhiệm vụ của người làm báo là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng.
Đến với Phần 2: Bác Hồ – Nhà báo cách mạng, phần này tập trung khắc họa chân dung Bác Hồ không chỉ là nhà cách mạng, nhà tư tưởng lớn mà còn là một nhà báo mẫu mực, đầy tâm huyết và sáng tạo, có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Từ việc Bác sáng lập tờ báo Thanh Niên, cho đến những chỉ dẫn về đạo đức và cách viết báo, người đọc không chỉ thấy một nhà tư tưởng lớn mà còn cảm nhận được phong cách viết báo giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu mà sâu sắc của Bác thể hiện qua các bài viết tiêu biểu:
Bác Hồ – người khai sinh ra báo chí cách mạng Việt Nam: Khẳng định vai trò tiên phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc sáng lập và phát triển báo chí cách mạng Việt Nam.
Bác Hồ – tấm gương sáng về đạo đức báo chí: Phân tích đạo đức nghề nghiệp của Bác, từ sự trung thực, khiêm tốn đến tinh thần phục vụ nhân dân trong công tác báo chí.
Hồ Chí Minh – một nhà báo cách mạng: Khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh như một nhà báo thực thụ, với phong cách viết sắc bén và sâu sắc.
Hồ Chí Minh – báo chí và cách mạng: Trình bày mối quan hệ chặt chẽ giữa báo chí và cách mạng trong tư tưởng của Bác Hồ.
Sức mạnh của báo chí cách mạng: Phân tích vai trò quan trọng của báo chí trong việc tuyên truyền, giáo dục và tổ chức quần chúng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn liền với báo chí: Khám phá mối quan hệ không thể tách rời giữa cuộc đời và sự nghiệp của Bác với hoạt động báo chí.
Đôi nét về văn phong báo chí của Bác: Phân tích phong cách viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ sự giản dị, dễ hiểu đến tính thuyết phục cao.
Nói và viết với phong cách Bác Hồ: Khám phá cách thức giao tiếp và viết lách của Bác, thể hiện qua các bài viết và bài nói nổi tiếng.
Hãy viết cho người đọc hiểu được, nhớ được, làm theo được: Lời dạy của Bác về mục tiêu của báo chí là phải dễ hiểu, dễ nhớ và khuyến khích hành động.
"Tâm địa thực dân" – bài báo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc: Phân tích bài viết đầu tiên của Bác trên báo Le Paria, phản ánh tinh thần đấu tranh chống thực dân.
Bác Hồ với thơ cổ động báo chí: Khám phá việc sử dụng thơ ca như một công cụ tuyên truyền hiệu quả trong báo chí của Bác.
Nguyễn Ái Quốc và những bài đăng trên báo Le Paria: Tổng hợp các bài viết của Bác trên tờ báo Le Paria, thể hiện quan điểm và chiến lược đấu tranh của Người.
Khi tìm hiểu Phần 3: Những tác phẩm, bài viết của Bác Hồ đăng trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước. Đây là phần có giá trị tư liệu đặc biệt, cho thấy quá trình Bác dùng ngòi bút như một vũ khí sắc bén để đấu tranh, thức tỉnh dân tộc và truyền cảm hứng cho phong trào cách mạng trên toàn thế giới, phản ánh xuyên suốt chặng đường hoạt động cách mạng và tư tưởng của Người. Một số tác phẩm nổi bật của Bác như: “Bản yêu sách của nhân dân An Nam (1919), Việt Nam yêu cầu ca, Tình cảnh nông dân An Nam, Toàn dân kháng chiến, Điện gửi gia đình cố Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng, Bài báo "Dân vận", Ba hoa, "Thực dân" là ăn cướp dân, Chiếc cầu bằng người, Thư gửi toàn thể chiến sĩ và cán bộ đại đoàn 312, Thơ chúc Tết xuân Quý Tỵ 1953, Điện mừng nhân dịp kỷ niệm Ngày hồng quân Liên Xô, Con đường phía trước, Lời kêu gọi nhân ngày 20/7/1965, Thư khen hợp tác xã Đông Phương Hồng (Thanh Hóa), ngày 2/3/1966, Bài nói tại lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện (18/1/1967), Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”.
Qua những trang sách giản dị, các bài viết ngắn gọn, súc tích, giàu hình ảnh và dễ hiểu được sưu tầm và giới thiệu, hình ảnh Bác Hồ hiện lên sinh động: không chỉ là một lãnh tụ thiên tài mà còn là một nhà báo chân chính, đầy tâm huyết, gần dân, vì dân. Đồng thời, giá trị của những trang báo do Bác để lại vẫn còn nguyên sức sống đến hôm nay.
Quyển sách là kim chỉ nam về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng hành nghề, tinh thần phục vụ nhân dân cho những ai đang làm nghề báo; là tài liệu tham khảo cho những ai muốn tìm hiểu về Bác Hồ, từ đó bồi đắp lý tưởng sống và rèn luyện bản thân theo tấm gương của Bác.
Sách hiện đang phục vụ tại Thư viện Vĩnh Long. Địa chỉ: Số 78, đường Nguyễn Huệ, Phường 1, thành phố Vĩnh Long. Điện thoại: 02703.822281 và đọc sách số tại: http://tvvl.emiclib.com/Item/ItemDetail/138619.
Mời các bạn tìm đọc!
Môn loại: 959.704092/B101H
Số ĐKCB: VL.004046
- Tác Giả Nguyễn Quang Chánh Nói Chuyện, Giới Thiệu Sách Và Trao... (26/06/2025)
- Giới thiệu quyển sách “Cha mẹ với việc giáo dục con trẻ” (24/06/2025)
- Giới thiệu quyển sách “Cha mẹ mỉm cười, con hạnh phúc” (23/06/2025)
- Thư Viện Vĩnh Long Tích Cực Đẩy Mạnh Công Tác Phục Vụ Cộng Đồng... (23/06/2025)
- Thư viện Vĩnh Long tham dự hội nghị sơ kết hoạt động Liên hiệp... (19/06/2025)
- Giới thiệu quyển sách “Hỏi - Đáp những vấn đề giáo viên, học sinh,... (19/06/2025)
- Thư Viện Vĩnh Long tổ thức trưng bày, triển lãm báo - tạp chí... (16/06/2025)