Chuyên mục
Ảnh hoạt động
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
49
18266131

Giới thiệu quyển sách “Những chặng đường lịch sử Nam Bộ kháng chiến”

17/09/2024 02:21 GMT+7
In bài Gửi bài viết

“Mùa thu rồi ngày hăm ba

Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến

Rền khắp trời lời hoan hô

Dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền”

(Lời bài hát Nam Bộ kháng chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn)

Mỗi khi giai điệu hào hùng ấy vang lên làm chúng ta lại nhớ đến những năm tháng kiên cường chống Pháp của quân và dân Nam Bộ. Đây là nơi mở đầu cũng là nơi kết thúc hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, mảnh đất có vị trí và vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Theo dòng lịch sử, chiều ngày 22/9/1945 chỉ sau 20 ngày được hưởng độc lập, Pháp nổ súng tấn công trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ, trụ sở Quốc gia Tự vệ cuộc… thực hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Trước tình hình đó, ngày 23/9/1945 đáp lại lời kêu gọi của Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ: “từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng”, quân và dân Nam Bộ một lần nữa nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.

Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2024), Thư viện tỉnh Vĩnh Long trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc quyển sách “Những chặng đường lịch sử Nam Bộ kháng chiến”. Quyển sách phản ánh những sự kiện quan trọng của Nam Bộ kháng chiến từ cuối thế kỷ XIX đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, đặc biệt là giai đoạn Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai từ năm 1945 đến lúc kết thúc cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ năm 1975. Quyển sách “Những chặng đường lịch sử Nam Bộ kháng chiến”  do Nhà xuất bản Lao Động biên soạn và xuất bản năm 2011, với độ dày 620 trang, sách gửi đến người đọc cái nhìn toàn diện và thấu đáo hơn về những diễn biến của các chặng đường lịch sử Nam Bộ kháng chiến.

35 (17.9.2024) nhung chang duong...khang chien.jpg

Nội dung quyển sách được chia làm 3 phần chính:

Phần thứ nhất: Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX). Nói về tiến trình Nam Kỳ chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ nhất đến khi có Đảng lãnh đạo; diễn biến tổng khởi nghĩa Tháng Tám trên cả nước nói chung và ở các tỉnh Nam Bộ nói riêng.

Phần thứ hai: Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945 – 1954. Trình bày tiến trình chuẩn bị đến mở đầu kháng chiến của quân và dân Nam Bộ, đến ngày toàn quốc kháng chiến; góp phần đánh thắng thực dân Pháp và  sự can thiệp Mỹ, dẫn đến ký kết Hiệp định Giơnevơ 1954 lập lại hoà bình ở Đông Dương; cùng đoàn kết sát cánh với nhân dân Campuchia chống thực dân Pháp xâm lược.

Phần thứ ba: Từ Hiệp định Giơnevơ đến năm 1975. Đấu tranh thi hành hiệp định Giơnevơ 1954 đến phong trào Đồng Khởi năm 1960 sau đó lan rộng khắp miền Nam; đánh bại liên tiếp các chiến lược: Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hoá chiến tranh của đế quốc Mỹ; tiến tới giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ những ngày đầu kháng chiến, Nam Bộ - Thành đồng Tổ quốc luôn “đi trước về sau”, tự lực tự cường chiến đấu và nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng nhân dân cả nước đồng lòng đứng lên chiến đấu vì độc lập dân tộc. Trong đó, chặng đường 30 năm kháng chiến từ năm 1945 đến năm 1975 là những năm tháng hào hùng và bi tráng nhất của lịch sử Nam Bộ, góp phần cùng dân tộc làm nên những chiến công oanh liệt.

“Những chặng đường lịch sử Nam Bộ kháng chiến” đã tái hiện một cách toàn diện lịch sử Nam bộ kháng chiến, đặc biệt là những năm tháng không thể nào quên của mốc son sáng ngời trong lịch sử dân tộc – ngày 23/9/1945. Dù 79 năm đã trôi qua nhưng tinh thần của ngày hăm ba ấy: “Độc lập hay là chết” vẫn còn vẹn nguyên giá trị, khi tổ quốc lâm nguy thì lòng yêu nước của mỗi con người Việt Nam lại trỗi dậy mạnh mẽ, ý chí kiên cường, bất khuất và kề vai sát cánh đó luôn được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Quỳnh Như

Văn Bản Mới
Video