Chuyên mục
Ảnh hoạt động
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
167
13618902

Giới thiệu quyển sách: “Văn Tiến Dũng – Tiểu sử”

24/04/2024 03:29 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Trong công cuộc đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều thế hệ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng thành danh, góp phần làm rạng rỡ non sông và đất nước.

Và trong những thế hệ đó có Đại tướng Văn Tiến Dũng, một người con của đất Thăng Long – Hà Nội, một vị Đại tướng tài ba trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh với cương vị Tư lệnh.

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2024), Thư viện tỉnh Vĩnh Long trân trọng giới thiệu quyển sách “Văn Tiến Dũng – Tiểu sử”, do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn.

22 (24.4.2024) van tieng dung tieu su1.jpg

Sách thuộc Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành năm 2020; nội dung sách gồm sáu chương được biên tập trong 347 trang.

Quê hương, gia đình và thời niên thiếu (1917 – 1935)” là chương mở đầu; nội dung chương này giới thiệu đến bạn đọc về vùng đất Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm), Thành phố Hà Nội là nơi sinh ra một vị tướng tài của Quân đội nhân dân Việt Nam, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông chính là Văn Tiến Dũng sinh ngày 02/5/1917, trong một gia đình công nhân nghèo, lên 8 tuổi mẹ mất, năm 15 tuổi cha cũng qua đời. Tuổi thơ cơ cực, nhưng ông rất ham học và thích đọc sách báo. Những câu chuyện về tinh thần yêu nước của Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật,… từ người cha kể, cùng các chính sách bất công của thực dân Pháp đối với đồng bào mà ông đọc từ sách; tất cả đã hun đúc nên tinh thần yêu nước mãnh liệt trong ông.  

Đến với chương hai “Tham gia xây dựng lực lượng cách mạng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền (1936 – 1945)”, bạn đọc sẽ hiểu rõ về buổi đầu tham gia cách mạng của người thanh niên họ Văn, trong đó năm 1936 trở thành điểm nhấn với những sự kiện như: Lập gia đình với bà Nguyễn Thị Bảy; được Trần Đình Long giác ngộ tinh thần yêu nước; tham gia tuyên truyền, vận động, tổ chức cho công nhân xưởng dệt Cự Chung bãi công,…

Tháng 11/1937, đồng chí Đinh Xuân Nhạ thay mặt tổ chức đảng kết nạp Văn Tiến Dũng vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1939, đồng chí bị Pháp bắt giam hai lần, cho đến nằm 1941 trốn thoát sau một cuộc chuyển nhà giam.

Trong giai đoạn từ năm 1942 – 1945, đồng chí giữ nhiều cương vị lãnh đạo như: Bí thư Đảng bộ tỉnh Hà Đông, Bắc Ninh; Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ; Thường vụ Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ.

Sang chương ba, nội dung sẽ giới thiệu đến bạn đọc giai đoạn đồng chí Văn Tiến Dũng “Giữ các cương vị quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954)”, như: Chính ủy Chiến khu 2 và Cục trưởng Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng từ năm 1945 – 1949; Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 3 và Chính ủy kiêm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320 từ năm 1949 – 1953; Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1953 – 1954.

Tiếp chương bốn đề cập “Trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955 – 1975)”, đồng chí Văn Tiến Dũng đã thực hiện các trọng trách như: Chỉ đạo xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng từ năm 1955 – 1960; đẩy mạnh xây dựng quân đội chính quy, hiện đại, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam và chuẩn bị chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ từ năm 1961 – 1965; lãnh đạo, chỉ đạo quân đội phối hợp với các lực lượng, đánh thắng chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ở miền Bắc và chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam từ năm 1965 – 1968; chỉ đạo các chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, Trị - Thiên, Tây Nguyên và Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần đánh bại chiến tranh phá hoại lần hai của Mỹ ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước từ năm 1969 – 1975.

Và nội dung chương năm giới thiệu đồng chí Văn Tiến Dũng trên cương vị “Trở thành người lãnh đạo cao nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 – 2002)”; trong đó nhấn mạnh các giai đoạn đồng chí giữ chức vụ như: Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Phó Bí thư thứ nhất Quân ủy Trung ương, trực tiếp chỉ đạo xây dựng quân đội hoàn thành tốt hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ năm 1975 – 1980; Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1980 – 1986; sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Trung ương giao đảm nhận Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự từ năm 1987 – 2002, trong giai đoạn này dự định hoàn thành bộ hồi ký nhưng cơn bạo bệnh đã làm dang dở ý tưởng của Đại tướng vào ngày 17/3/2002.

Đọc nội dung chương cuối cùng quyển sách về “Nhà lãnh đạo quân sự tài năng, sáng tạo của Đảng và cách mạng Việt Nam”, bạn đọc sẽ thấy rõ phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, người chỉ huy quân sự tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sách là một công trình nghiên cứu rất công phù, thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc về một tấm gương trong sáng, mẫu mực, suốt cuộc đời tận trung với Đảng, với Tổ quốc và dân tộc.

Khi đọc hết nội dung quyển sách, bạn đọc sẽ thấy bản chất thiên tài của vị Đại tướng như lời khẳng định của Thủ tướng Võ Văn Kiệt “Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Văn Tiến Dũng là tấm gương sáng của Đảng và quân đội ta”; còn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Đồng chí Văn Tiến Dũng là một trong những tướng lĩnh tài năng xuất sắc của quân đội ta, là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.  

Sách hiện đang lưu trữ tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Rất hân hạnh phục vụ quý độc giả!

Ký hiệu sách: VV.040263

Hồ Minh

Văn Bản Mới
Video