Chuyên mục
Ảnh hoạt động
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
163
16795644

Giới thiệu quyển sách “Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản và biện pháp phòng ngừa”

28/03/2024 08:16 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Trong thời gian qua, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản - một trong những loại tội phạm không ngừng gia tăng ở nước ta, chủ yếu xuất phát và ẩn giấu qua các giao dịch dân sự nên thường khó phát hiện.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng thì tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang diễn ra rất phổ biến trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội như: Tài chính - ngân hàng, bất động sản, kinh doanh đa cấp, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài,... với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi đã khiến số lượng nạn nhân “sập bẫy” ngày càng nhiều gây ra những hậu quả nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân. 

Nhằm góp phần cung cấp thông tin, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tội phạm, Thư viện tỉnh Vĩnh Long trân trọng giới thiệu quyển sách Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản và biện pháp phòng ngừa” do luật sư Trương Ngọc Liêu biên soạn, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2022.

48 (29.3.2024) nhan dien cac.jpg

Sách có độ dày 212 trang, gồm 04 phần.

Phần 1: Thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trong phần này, tác giả nêu lên thực trạng, nguyên nhân các vụ việc, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong phạm vi cả nước và những hệ lụy của hành vi lừa này đến đời sống của cá nhân, gia đình và xã hội. 

Phần 2: Khung pháp lý về hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản

Đến với phần này, sách đề cập đến khung pháp lý về hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản bao gồm: Truy cứu trách nhiệm hình sự và xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lừa đảo cũng như thấy được hậu quả pháp lý của việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào.

Phần 3: Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến

Ở phần này, tác giả chia sẻ đến bạn đọc về cách thức nhận diện từng thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản cụ thể như: thủ đoạn lừa đảo truyền thống (lừa “chạy việc”, “chạy án”, lừa xuất khẩu lao động, làm, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả liên quan đến quyền sở hữu tài sản để cầm cố, thế chấp, mua bán, v.v…);  thủ đoạn lừa đảo thông qua không gian mạng (mạo danh để yêu cầu chuyển tiền, đánh cắp thông tin tài khoản mạng xã hội hoặc thông tin bảo mật ngân hàng để phục vụ mục đích chiếm đoạt tài sản, thủ đoạn “chuyển tiền nhầm”, mạo danh ngân hàng cho vay v.v...)

Phần 4: Biện pháp phòng ngừa hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Đặc biệt, trong phần này, tác giả đề xuất các biện pháp phòng ngừa đối với các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có các biện pháp phòng ngừa chung từ phía cơ quan nhà nước cũng như đối với từng cá nhân và một số biện pháp phòng ngừa cụ thể đối với từng thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản như: Phòng ngừa thủ đoạn chuyển tiền nhầm; phòng ngừa thủ đoạn gọi điện thoại, nhắn tin yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản, thẻ ngân hàng, mã OTP hay thủ đoạn lập hồ sơ cho vay online. Bên cạnh đó, tác giả còn đề cập đến các biện pháp phòng ngừa hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như: Phòng ngừa thủ đoạn gọi điện thoại giả danh cơ quan chức năng, yêu cầu chuyển tiền; phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động; phòng ngừa thủ đoạn lừa “chạy việc”, “chạy án”;...

Các đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý chung của nạn nhân đó là: lòng tham, sự sợ hãi, sự nhẹ dạ cả tin và sự thiếu hiểu biết để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, các cơ quan, địa phương tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch trong nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, dự án bất động sản, quy hoạch xây dựng… đồng thời, phổ biến phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân.

Hy vọng quyển sách Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản và biện pháp phòng ngừa” sẽ giúp bạn đọc nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, nhạy bén hơn, tinh tường hơn để đối phó với các thủ đoạn lừa đảo đang diễn ra phổ biến hiện nay cũng như trong tương lai. 

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.

Ký hiệu: 364.163/NH121D

Ngọc Diệp

Văn Bản Mới
Video