Chuyên mục
Ảnh hoạt động
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
67
27,596,067

Giới thiệu quyển sách: “Những mốc son trong lịch sử kháng chiến Nam Bộ”

23/09/2023 07:00 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Nam Bộ là vùng đất mới của Tổ quốc, được thiết lập từ sự di dân trong hành trình Nam tiến. Quá trình cộng cư đã tạo cho vùng đất này sự đa dạng các sắc thái văn hóa, cùng với tính cách bình dị, thẳng thắn, hào phóng, trọng nghĩa của cộng đồng các dân tộc nơi đây.

Nhưng vùng đất Nam Bộ lại là khúc ruột mang nhiều đau thương, nơi đầu sóng ngọn gió, luôn phải đối đầu với các cường quốc quân sự, là miền đất đi trước về sau, nơi mở đầu và cũng là kết thúc hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Nhân kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9), Thư viện tỉnh Vĩnh Long trân trọng giới thiệu quyển sách “Những mốc son trong lịch sử kháng chiến Nam Bộ”, do Minh Khánh cùng Hạnh Nguyên tuyển chọn và biên soạn, được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2015.

Nhung moc son trong lich su khang chien nam bo.jpg

Mời bạn đọc xem Video giới thiệu sách tại: https://youtu.be/aFQEb_RzEow

Với 215 trang, nội dung quyển sách sẽ giới thiệu đến bạn đọc những mốc thời gian từ tháng Tám năm 1945 đến ngày 01 tháng 5 năm 1975; đây là những thời khắc lịch sử mà dân và quân Nam Bộ nêu cao tinh thần dân tộc với quyết tâm thực hiện theo lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Nội dung mở đầu là khi quân lệnh khởi nghĩa ban ra vào đêm 13/8/1945, 15 tỉnh thành trong khu vực nhất tề đứng lên giành chính quyền; tại Vĩnh Long, đúng 7 giờ sáng ngày 25/8/1945, hàng vạn quần chúng khắp các xã dưới sự hỗ trợ của thanh niên xung phong đã tiến lên giành chính quyền về tay nhân dân.

Sau khi giành chính quyền, ở miền Nam phải đương đầu với sự gây hấn của thực dân Pháp. Trước tình hình đó, sáng ngày 23/9, Hội nghị liên tịch Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến và đại diện Tổng bộ Việt Minh đã thống nhất chủ trương phát động kháng chiến và thông qua bản hiệu triệu quân dân Nam Bộ đứng lên đánh địch. Chủ trương kháng chiến của Nam Bộ được sự ủng hộ tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng.

Ngày 27/9/1945, Bác Hồ gửi thư cho đồng bào miền Nam khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, Chính phủ và nhân dân với mục tiêu độc lập tự do cho Tổ quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ và sự ủng hộ của nhân dân cả nước, nhân dân Nam Bộ đồng loạt đứng lên khởi nghĩa đánh địch, làm thất bại âm mưu của chúng, ra sức củng cố chính quyền cách mạng, hướng tới cuộc kháng chiến toàn quốc.

Ngày 25/10/1945, Hội nghị cán bộ Đảng Nam Bộ diễn ra tại Tiền Giang có đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng đến dự, cùng các đồng chí Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng từ nhà tù Côn Đảo về. Hội nghị bầu đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy, đồng thời ra chủ trương thực hiện chiến tranh du kích.

Ngày 06/01/1946, Sài Gòn tiến hành tổng tuyển cử khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thắng lợi lớn, có 82% số cử tri đi bỏ phiếu, bất chấp sự đàn áp thẳng tay của thực dân Pháp.

Ngày 20/02/1946, Tổng hành dinh Khu 7 đổi tên là Chiến khu Đ. Đây là căn cứ quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cơ quan chỉ huy quân sự nhiều huyện, tỉnh lân cận Khu 7, Phân Liên khu miền Đông và Nam Bộ.

Ngày 07/11/1946, Tổng Công đoàn Nam Bộ đổi tên thành Liên hiệp Nghiệp đoàn Nam Bộ trực thuộc Tổng Công đoàn Việt Nam, với nhiệm vụ lãnh đạo các phong trào đấu tranh của công nhân.

Đầu năm 1947, Ủy ban Mặt trận Việt Minh được thành lập do đồng chí Hà Huy Giáp làm Chủ nhiệm, đồng chí Trần Bạch Đằng làm Tổng thư ký.

Tháng 10/1949, Xứ ủy Nam Bộ chuyển đến chiến khu U Minh nhằm đảm bảo an toàn trong lãnh chỉ đạo kháng chiến.

Tháng 03/1951, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất khóa II quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam, do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư, đầu tiên đóng tại U Minh Thượng, tỉnh Cà Mau, sau đó chuyển về tỉnh Tây Ninh.

Tháng 8/1956, Đề cương Cách mạng miền Nam ra đời do đồng chí Lê Duẩn soạn thảo, góp phần tích cực chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho phong trào Đồng Khởi năm 1960.

Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch; nhiệm vụ trọng tâm là đoàn kết các tầng lớp nhân dân chống Mỹ - Diệm. Mặt trận quyết định chọn lá cờ nửa xanh nửa đỏ có sao vàng 5 cánh làm hiệu kỳ và bài hát “Giải phóng miền Nam” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước  là bài hát chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, và đồng thời là Quốc ca của Nhà nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên toàn bộ miền Nam Việt Nam.

Ngày 15/02/1961, Quân giải phóng miền Nam được thành lập trên cơ sở ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Nhiệm vụ của lực lượng này là vừa chiến đấu vừa lao động sản xuất.

Ngày 08/4/1975, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định, do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy.

Chấp hành chủ trương của Trung ương Đảng, mệnh lệnh của Bác Hồ “thà chết tự do hơn sống nô lệ”; dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ, rồi Trung ương Cục miền Nam, dân và quân của “Thành đồng Tổ quốc” nhất tề đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng những thế lực tay sai bán nước bằng những chiến công vang dội như: Chiến thắng Tầm Vu năm 1947 và 1948; chiến thắng Mương Điều năm 1947; chiến thắng La Ngà năm 1948; chiến thắng Mộc Hóa năm 1949; chiến thắng Cầu Kè năm 1949; Đồng Khởi Bến Tre năm 1960; Chiến dịch Mậu Thân năm 1968; Chiến dịch Hồ Chí Minh 30/4/1975.

Quyển sách “Những mốc son trong lịch sử kháng chiến Nam Bộ” là tư liệu có giá trị lịch sử, thể hiện tính giáo dục truyền thống yêu nước bất diệt của dân tộc Việt Nam, một bản lĩnh đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân và quân Nam Bộ với quyết tâm “Một tấc không đi, một li không rời”.

Sách hiện đang lưu trữ tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Rất hân hạnh phục vụ quý bạn đọc!

Ký hiệu sách: VV.05734

Hồ Minh

Văn Bản Mới
Video