Chuyên mục
Ảnh hoạt động
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
153
13094863

Giới thiệu sách quyển sách “Chuyện kể và những bức thư Bác Hồ gửi thiếu niên, nhi đồng”

01/06/2023 08:04 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Trong muôn vàn tình thương yêu của Bác Hồ dành cho “mọi kiếp người”, có một tình yêu bao la mà Người từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Đúng vậy, Bác Hồ luôn dành một tình cảm đặc biệt cho thiếu niên, nhi đồng, thế hệ tương lai của đất nước.

Và tình yêu thương đó đã được thể hiện rõ trong nội dung quyển sách “Chuyện kể và những bức thư Bác Hồ gửi thiếu niên, nhi đồng” của ThS. Nguyễn Anh Minh sưu tầm và tuyển chọn, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2012. Với 155 trang được tác giả chia thành hai phần, bạn đọc sẽ hiểu rõ tại sao Bác Hồ dành nhiều thời gian quan tâm đến thế hệ tương lai cho dù luôn bận bịu với việc nước.

Thu Bac Ho.png

Video giới thiệu sách: https://youtu.be/Q8U915fuLpE

Những hình ảnh Bác gần gũi bên các cháu giản dị mà đầm ấm yêu thương đến lạ thường, đó là tất cả những gì mà Thư viện tỉnh Vĩnh Long muốn gửi đến bạn đọc nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi, ngày 01/6/2023.

Những bức thư của Bác Hồ gửi thiếu niên, nhi đồng” là chủ đề phần một; bạn đọc sẽ được tìm hiểu tình cảm đặc biệt trong những tháng năm mà Bác đã dành cho các cháu. Và năm 1945 được mở đầu với “Thư gửi thiếu nhi Việt Nam đêm Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” với hy vọng “mong các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập tự do”.

Non song Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”, đây chính là những kỳ vọng trong “Thư gửi các học sinh” của Bác Hồ nhân ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.   

Sang năm 1946, nhân dịp Tết sắp đến, Bác viết gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc có đoạn “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” – Thông điệp gửi tuổi trẻ phải phấn đấu sống cho xứng đáng với Tổ quốc, ra sức bảo vệ thành quả của ông cha tạo dựng.

Cũng trong năm này, sau chuyến công tác từ Pháp về, hay tin các cháu thiếu nhi biết chữ quốc ngữ, Bác viết những lời khuyên bảo: “1. Phải siêng học; 2. Phải giữ sạch sẽ; 3. Phải giữ kỷ luật; 4. Phải làm theo đời sống mới; 5. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em”.

Năm 1947, nhân kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám, ngoài việc ghi nhận những đóng góp cho nước nhà giành độc lập, Bác khuyên các cháu tiếp tục cống hiến sức lực “Việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Làm được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Tuổi các cháu còn nhỏ, thì các cháu làm những công việc nhỏ”.

Với Bác, miền Nam luôn ở trong trái tim Người, trong “Thư gửi nam nữ thanh niên và nhi đồng Nam Bộ” năm 1948, Bác luôn mong chờ các cháu thể hiện tinh thần yêu nước xứng đáng với con cháu của Phù Đổng Thiên Vương, Trần Quốc Toản và của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1949, nhằm đáp lại tấm chân tình quý mến của nhi đồng Đội Thanh Bình (Tổ YS – 65) viết thư báo công và mong gặp mặt Bác, Bác khuyên rằng “Các cháu cố gắng lên. Ngày Bác cháu ta gặp nhau vui vẻ không xa đâu, vì ngày ta hoàn toàn thắng lợi sắp đến gần”.

Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi (01/6/1950), Bác động viên các cháu thiếu nhi trên toàn quốc với lời nhắn nhủ vì chiến tranh nên những trẻ em của nước ta bị thiệt thòi, cố gắng chờ khi nước nhà độc lập.

Việc mót lúa, bán lấy tiền giúp bộ đội của em Nguyễn Thị Lương trở thành tấm gương yêu nước được Bác tuyên dương năm 1951. Và còn rất nhiều những lá thư đầy xúc cảm mà Bác Hồ đã gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng trên khắp mọi miền đất nước cho đến khi Bác không còn dịp trực tiếp viết gửi.

Sang phần hai với chủ đề “Chuyện kể Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng” là những câu chuyện mang đậm tính nhân văn của vị lãnh tụ cao mà không xa, luôn quan tâm chăm sóc đặc biệt đối với thế hệ tương lai của đất nước, những người sẽ kế thừa sự nghiệp cách mạng; bởi Bác luôn tin rằng “Các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do”.    

Khi đọc hết nội dung của những lá thư hay những câu chuyện kể trong quyển sách này, sự khâm phục chứa đầy xúc cảm sẽ dâng trào trong mỗi trái tim bạn đọc; vì Bác Hồ của chúng ta là thế, luôn gửi đến cho các cháu thiếu niên, nhi đồng một tình yêu thương không bao giờ vơi cạn.

Bác đã để lại cho đời một bài học quý báu về sự quan tâm, chăm lo thế hệ trẻ; đó cũng chính là tài sản vô giá đối với các thế hệ trẻ nói riêng, mỗi người chúng ta nói chung. Bởi, ẩn sau những hình ảnh dung dị đó là những bài học sâu sắc, nhân văn, là niềm tin, là hy vọng vào thế hệ tương lai đủ đức, đủ tài xây dựng quê hương.

Sách hiện đang lưu trữ tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Rất hân hạnh phục vụ quý bạn đọc!

Ký hiệu sách: VV.053718

Hồ Minh

Văn Bản Mới
Video