Chuyên mục
Ảnh hoạt động
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
163
13171218

Giới thiệu quyển sách “Công tử Lời (Công tử Vĩnh Long) – Nhân ái một tấm lòng”

23/05/2023 01:29 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Lịch sử dân tộc luôn cho chúng ta những niềm tự hào về một thời chiến đấu hào hùng và hy sinh anh dũng của ông, cha ta. Vùng đất Vĩnh Long quê hương tôi là nơi sinh những người con ưu tú cho Đảng và nước nhà như: đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Võ Văn Kiệt, đồng chí Trần Đại Nghĩa,..đã đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ nền độc lập và tự do cho Đất nước. Trong quá trình xử lý nghiệp vụ tại Thư viện, tôi đã tìm đọc đến quyển sách: “Công tử Lời (Công tử Vĩnh Long) -  Nhân ái một tấm lòng của tác giả Huỳng Quan Thư biên soạn. Quyển sách giúp ta tìm hiểu thêm về nhân vật anh hùng liệt sỹ Châu Văn Sanh hay thường gặp với biệt danh công tử Lời - người con của quê hương Vĩnh Long đã anh dũng hy sinh vì Đảng, vì nước, vì dân dù xuất thân trong một gia đình giàu có, địa chủ. Những đóng góp của ông cho cách mạng đều được thể hiện rõ trong quyển sách này.

Cong tu loi vinh long.jpg

Quyển sách được xem như quý hiếm vì đây là những bài viết được biên soạn lại từ nguồn tài liệu sưu tầm của người cháu gái ruột của nhân vật, tên cô là Huỳnh Quan Thư đồng thời cũng là tác giả của quyển sách này. Quyển sách viết về gia đình và cuộc sống của ông Sanh giai đoạn từ năm 1911 – 1928; những năm tháng hoạt động cách mạng; ghi nhận của lịch sử địa phương và các bài viết của đồng chí, đồng đội và gia đình công tử Lời.

Khi vừa tiếp xúc với quyển sách, tôi háo hức đọc ngay vì muốn tìm hiểu xem nhân vật công tử Lời đã có những công lao đóng góp cho quê hương vì lần đầu tiên tôi biết đến nhân vật này.

Đọc từng trang sách, tôi biết công tử Lời tên thật là Châu Văn Sanh (sinh ngày 03/04/1911, mất 27/6/1943), quê quán tại xã Chánh Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Ông sinh ra trong một gia đình địa chủ giàu có, được nuông chiều và rất tinh nghịch từ nhỏ bởi bản tính công tử. Tuy nhiên, ông được học hành đàng hoàng, có những đức tính tốt trong xã hội. Đọc quyển sách tôi cảm thấy xúc động khi ông sống trong đầy đủ và no ấm nhưng lại có bản tính thương người, phóng khoáng và thích giúp đỡ người khác như: giúp những bà con tá điền, dân nghèo trong chợ đóng thuế thân hay xin cha ông bớt tiền thu lúa ruộng và xin giảm địa tô cho họ. “Tá điền ai ai cũng thương, cũng quý công tử Lời. Xem ông như một chỗ dựa, một người biết sẻ chia thông cảm, còn Hương trưởng, Hương tề trong huyện thì nể ông giàu có, trọng ông là người rộng rãi, biết cư xử và rất được lòng mọi người, đối với họ ông hay mời uống rượu, cho tiền, làng xã cần gì thì ông sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ….” (Tr. 40 – 41). Câu viết trên giúp tôi mãi ấn tượng về một người con đất Vĩnh Long có lòng bao la và đại đồng. Càng quý hơn, khi ông luôn ra tay giúp đỡ người yếu thế và bất công qua chi tiết ông đánh nhau do bênh vực trẻ con bị ông chủ sơn đông ức hiếp ở chợ. Những đức tính cao đẹp ấy, ông đã được giáo dục và noi theo từ cha, mẹ mình. Tôi được biết qua quyển sách cha ông tên Châu Xuyên là một người chịu khó làm ăn, sống bình dị, tiết kiệm và thích giúp đỡ người khác, còn mẹ ông tên Đào Thị Bòi là người phụ nữ hiền hậu, đảm đang, thương chồng và con hết mực.

Theo từng câu chuyện trong quyển sách, tôi không khỏi tự hào và kính trọng ông Sanh không những có lòng nhân ái, phóng khoáng mà còn một lòng theo Đảng và đã tham gia cách mạng năm 1929 tại Mang Thít, khát khao độc lập tự do, mơ ước một xã hội công bằng, không còn cảnh người bóc lột người. Đáng quý nhất ở ông là người xuất thân trong gia đình giàu có, được nuông chiều và nổi tiếng là công tử nhưng ông vẫn theo con đường lý tưởng và khát vọng được hòa bình, hạnh phúc cho mọi người. Con người ấy đã dám cầm cờ đi đầu và bị giặt đánh ở đầu máu chảy đỏ cả mặt ở Văn Thánh Miếu tỉnh Vĩnh Long và bị bắt tạm giam mấy tháng trong cuộc biểu tình quy mô có trên hai ngàn lực lượng thuộc ba huyện Châu Thành, Tam Bình, Vũng Liêm. Ông đã giúp đỡ và nuôi chứa các đồng chí và bạn bè như: Trần Phú, Nguyễn Văn Thời, Nguyễn Văn Linh, Lý Văn Mẫn, Lý Văn Hiếu,… Tôi trân trọng và quý mến ông ở chỗ là một người công tử nhưng có tính tình hào hiệp, nhiệt tình tham gia cách mạng, giúp đỡ về phương tiện hoạt động, tài chính cho cách mạng rất nhiều. Ông rất thích đọc sách và điều làm tôi cảm phục vì một người sống trong nhung lụa nhưng rất chịu khó học hỏi và tìm tòi kiến thức và có thể đó là nguyên nhân ông đã giác ngộ được với lý tưởng cách mạng và đi theo Đảng. Do yêu cầu cách mạng, ông có mở một hiệu sách ở Cần Thơ khoảng giai đoạn 1937 – 1939 lấy tên Đời Mới gồm sách cách mạng, sách tiến bộ, nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin đến năm 1939 đóng cửa nhà sách do địch khủng bố. Sau này, ông có mở lại nhà sách để hoạt động nhưng bị địch phát hiện và bắt ông vì tội ngoan cố chống đối. Tôi thật xúc động khi người Cộng sản ấy đã năm lần bị bắt gian khổ, khó khăn, gia đình vài lần phải mất va ly bạc giấy để cứu ông ra tù nhưng ông Sanh vẫn kiên cường chiến đấu vì lý tưởng cách mạng, hết mực thương vợ và con và có hiếu với cha, mẹ. Ông đã hy sinh vào ngày 27/06/1943 tại Côn Đảo vì bệnh lỵ mà địch không cho thuốc uống.

Chúng ta đã từng biết đến Công tử Bạc Liêu, công tử Lẹ,…nhưng với riêng nhân vật công tử Lời đã để lại những dấu ấn mà ta luôn ghi nhớ mãi về một người nhân ái, hào hiệp, tâm hồn bao la giúp đỡ mọi người. Con người ấy kiên trung, một lòng một dạ đi theo con đường đầy chông gai, thử thách, thay con đường bằng phẳng đã được cha mẹ trải thảm, với ước mơ góp phần giành độc lập tự do cho đất nước, quyền sống cho con người. Điều này thật đáng quý biết bao! Những hy sinh đóng góp của ông đã được Nhà nước công nhận là anh hùng liệt sỹ vào tháng 9 năm 2008.

Trải dài trong từng trang sách giúp tôi cảm nhận về một người con ưu tú của quê hương mà lần đầu tôi mới hiểu rõ về ông. Để rồi đọc xong, tôi cảm thấy lắng đọng và tự hào về một nhân vật đôi khi chưa từng ai biết nhưng công lao đóng góp của ông cho đất nước đáng để chúng ta khắc ghi và nhớ mãi!

Sách hiện có ở thư viện tỉnh Vĩnh Long. Xin trân trọng giới thiệu!

Ký hiệu môn loại: 959.703092/C455T

Cúc Hương

Văn Bản Mới
Video