Chuyên mục
Hình ảnh liên kết
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
29
104429389

Ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh

16/04/2024 07:00 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế số. Bên cạnh sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, các cơ sở, doanh nghiệp (DN), HTX địa phương cũng có nhiều nỗ lực trong việc thay đổi thói quen kinh doanh, tận dụng sức mạnh của TMĐT để mở rộng kênh bán hàng, gia tăng sự hiện diện của thương hiệu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Sàn thương mại điện tử địa phương góp phần mở rộng kết nối giao thương cho người dân, doanh nghiệp, HTX.

Tăng tiếp cận khách hàng

Thời gian qua, Sở Công Thương đã triển khai thực hiện các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển TMĐT trong tỉnh, từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở, DN, HTX địa phương ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp cắt giảm chi phí quảng bá, mở rộng cơ hội kinh doanh, từng bước đưa TMĐT trở thành một hoạt động phổ biến.

Đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ xây dựng website cho 16 DN; hỗ trợ cho 21 DN ứng dụng chữ ký số; 1 HTX ứng dụng công nghệ QR code truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Đồng thời, hỗ trợ 370 DN, hộ kinh doanh, HTX với 1.700 sản phẩm công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp và các hàng hóa, dịch vụ… có cơ hội tham gia các chương trình kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trực tuyến, giao thương và thanh toán trực tuyến thông qua Sàn giao dịch TMĐT ngành công thương Vĩnh Long (trade.vinhlong.gov.vn).

Đây là những bước đầu tiên giúp DN tiếp cận, ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, đưa hàng hóa địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng.

Sản xuất kinh doanh các loại mứt gần 10 năm, anh Trần Vĩnh Phú- đại diện hộ kinh doanh mứt nhà làm Đức Đạt (xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ làm mứt bán tại nhà. Sau này, tôi cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, từng bước đưa sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đồng thời, đẩy mạnh kinh doanh online trên các trang mạng xã hội, mở rộng thị trường đến hơn 50 tỉnh, thành trong nước, nhờ đó tôi có thể thu thập nhiều phản hồi của khách, điều chỉnh công thức chế biến phù hợp”.

Thành lập năm 2018, từ kinh doanh chủ yếu bằng hình thức truyền thống, gần 2 năm qua, HTX Nông nghiệp Thuận Thới đã kết hợp bán hàng trực tuyến, từng bước giúp doanh thu từ các kênh TMĐT đạt 2% tổng doanh thu/tháng.

Ông Nguyễn Văn Thảo- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, chia sẻ: “HTX được các ngành chức năng hỗ trợ đưa các sản phẩm lên trang TMĐT của tỉnh, đồng thời HTX cũng đẩy mạnh kinh doanh qua Zalo, Facebook, Shopee, Lazada. Sau gần 2 năm ứng dụng TMĐT trong kinh doanh, hiện HTX đã đưa được các dòng sản phẩm phân trùn quế túi loại 2-5kg, dịch trùn quế 100ml… lên các kênh online. Nhờ đó mà HTX tiếp cận được nhiều khách hàng, có cơ hội kết nối với đối tác tiềm năng, nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá thương hiệu”.

Cần vượt trở ngại

Ứng dụng TMĐT vào hoạt động kinh doanh đã mang lại hiệu quả tích cực cho nhiều cơ sở, DN, HTX địa phương, nhưng theo đánh giá của Sở Công Thương, phần lớn DN nhỏ và vừa trong tỉnh còn hạn chế về khả năng sản xuất, mức độ tự động hóa chưa cao, thiếu nhân lực chất lượng cao để ứng dụng TMĐT; nhiều cơ sở, DN, HTX chưa quen với hình thức kinh doanh trực tuyến, thiếu chủ động trong chuyển đổi, nên công tác tuyên truyền, đào tạo kỹ năng về TMĐT chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Đang tìm cách phát triển việc kinh doanh quần áo thông qua mạng xã hội, chị Đinh Thị Sương Em (TT Long Hồ, huyện Long Hồ) chia sẻ: “Tôi từng chụp ảnh quần áo đăng bán qua Zalo, Facebook nhưng không hiệu quả do không biết cách thu hút người xem, tôi được khuyên là trả tiền quảng cáo online nhưng sợ tốn kém mà không hiệu quả. Chưa kể nếu muốn bán hàng online thì phải có nguồn hàng đa dạng, người livestream… nhưng bán trực tiếp đã ít người mua thì tiền đâu để lấy thêm hàng bán online”.

images2548094_BVL_a__17_.jpg
Thương mại điện tử giúp cơ sở, doanh nghiệp, HTX địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Thảo cho biết: “Là sản phẩm đặc thù nên việc kinh doanh phân bón trên các sàn TMĐT gặp không ít khó khăn, nhất là về chi phí vận chuyển, như túi phân bón 5kg của HTX trên trang Shopee, chi phí vận chuyển đến 40.000đ trong khi giá bán sản phẩm chỉ 35.000 đ/túi.

Vậy nên, HTX đang nghiên cứu, phát triển thêm những dòng sản phẩm phân bón hữu cơ có thể tích nhỏ; tạo combo gồm đất sạch, hạt giống, phân bón; thiết kế chương trình khuyến mãi… để tăng sức mua. Ngoài hỗ trợ về TMĐT, HTX mong muốn các ngành chức năng có thể mở thêm những điểm trưng bày sản phẩm, quảng bá rộng rãi hơn nữa những sản phẩm của địa phương”.

Nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT trong tỉnh và hỗ trợ DN, HTX vượt khó, năm nay Sở Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ, đào tạo các kỹ năng về TMĐT, hướng dẫn cơ sở, DN, HTX ứng dụng TMĐT; thực hiện mô hình thí điểm về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mới trong TMĐT; triển khai các chương trình, giải pháp để xây dựng thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chủ lực của tỉnh; nghiên cứu thị trường, thống kê, khảo sát, thu thập số liệu về TMĐT… với tổng kinh phí thực hiện là 590 triệu đồng.

Theo THẢO TIÊN

Nguồn: baovinhlong.vn

Hình ảnh liên kết