Chuyên mục
Ảnh hoạt động
Hình ảnh bên trái
Ứng dụng truy xuất nguồn gốc
Tra cứu văn bản
Thông tin truy cập
Tổng truy cập
14482025

Khai thác và bảo vệ tài nguyên nước ngầm theo hướng bền vững

01/07/2022 07:00 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Nước ngầm (hay nước dưới đất) rất quan trọng đối với những hộ sống ở xa các nhà máy cấp nước tập trung và vùng khan hiếm nước vào mùa khô. Mặc dù có trữ lượng tiềm năng khai thác khá dồi dào, hiện trạng khai thác ít nhưng để sử dụng bền vững, từ nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác và bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này.

BV nuoc ngam.JPG
                                      Khai thác nước ngầm đơn lẻ ở xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn

Trữ lượng nước ngầm ở Vĩnh Long còn dồi dào

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, trữ lượng khai thác tiềm năng nước ngầm toàn tỉnh là 2.804.459m3/ngày, nhưng trữ lượng nước nhạt chỉ có 297.840m3/ngày (chiếm 10,62% toàn bộ trữ lượng ngầm của tỉnh). Đây là một phần tài nguyên quý giá, đặc biệt đối với vùng khan hiếm nước ngầm nhạt như Vĩnh Long.

Theo chiều sâu từ mặt đất trở xuống có 4/7 tầng chứa nước ngầm có chứa nước nhạt (nước chứa tổng khoáng hóa dưới 1g/l) có chất lượng đạt tiêu chuẩn ăn uống, sinh hoạt và sản xuất, đó là tầng Pleistocen trên (ở độ sâu từ 39,5-107m), Pleistocen giữa-trên (độ sâu từ 73-154,5m), Pliocen dưới (độ sâu từ 260-360m) và Miocen trên (độ sâu từ 309,5-423m).     

Toàn tỉnh hiện có 20.576 giếng khai thác nước ngầm, tập trung nhiều nhất ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và thị xã Bình Minh. Trong đó, giếng đơn lẻ hộ gia đình chiếm đa số với 20.551 giếng, giếng khai thác tập trung công nghiệp là 25 giếng. Tổng lưu lượng khai thác tất cả các giếng là 33.091m3/ngày, trong đó lưu lượng nước nhạt là 25.254m3/ngày, nước lợ-mặn là 7.837m3/ngày. Phần lớn nước ngầm được khai thác phục vụ cho nông nghiệp với lưu lượng 21.539m3/ngày (chiếm 65,09%), số ít phục vụ cho mục đích sinh hoạt là 5.840m3/ngày (chiếm 17,65%) và mục đích sản xuất công nghiệp là 5.712m3/ngày (chiếm 17,26%).

Theo đánh giá của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Miền Nam, hiện tổng lưu lượng khai thác của tỉnh chỉ chiếm 1,18% so sánh với trữ lượng tiềm năng (2.804.460m3/ngày) và chỉ chiếm 5,9% so với trữ lượng an toàn nước hay ngưỡng bền vững (20% trữ lượng tiềm năng). Trong đó, hiện trạng khai thác nước nhạt là 25.254m3/ngày (chỉ chiếm 8,48% trữ lượng tiềm năng nước nhạt và chiếm 42,39% trữ lượng an toàn nước nhạt); hiện trạng khai thác nước lợ-mặn là 7.837m3/ngày (chỉ chiếm 0,31% trữ lượng tiềm năng nước mặn và chiếm 1,56% trữ lượng an toàn nước mặn). Do vậy, trữ lượng nước ngầm ở Vĩnh Long còn dồi dào, tất cả các địa phương trong tỉnh đều thừa nước! Hơn nữa, ở Vĩnh Long hiện chưa phát hiện hiện tượng sụt lún đất do khai thác nước ngầm gây ra.

Phần lớn nguồn nước ngầm ở tỉnh ta có chất lượng khá tốt. Nước ngầm tầng nông hơi cứng, bị nhiễm mặn hoặc nhiễm phèn, nhiễm vi sinh và hàm lượng sắt trong nước khá cao. Chất lượng nước ngầm tầng sâu còn tốt và chưa bị ô nhiễm, nhưng thành phần Nitrit, Nitrat và Coliform tương đối cao hơn các nguồn nước ngầm khác. Chính thành phần Nitrit, Nitrat trong nước cao nên thời gian qua, các giếng khoan nước ngầm tầng sâu khai thác nước cấp trực tiếp cho sinh hoạt không đáp ứng nhu cầu cho nấu ăn, uống của người dân mặc dù kiểm nghiệm chất lượng nước vẫn đạt tiêu chuẩn quốc gia!

Nguồn nước ngầm trong tỉnh khai thác phục vụ cho các ngành công nghiệp có giá trị cao như sản xuất nước khoáng, nước giải khát…chưa nhiều. Hiện trong tỉnh có 4 nguồn trong tổng số 287 nguồn nước khoáng, nước nóng trong cả nước, đó là nguồn Tân Ngãi (tại phường Tân Ngãi, TP Vĩnh Long), nguồn Vĩnh Long 1 (tại khuôn viên Xí nghiệp dược tỉnh Vĩnh Long-Phường 5, TP Vĩnh Long), nguồn Cái Vồn (tại phường Cái Vồn, TX Bình Minh) và nguồn Long Hồ (thuộc huyện Long Hồ). Các lỗ khoan có độ sâu cách mặt đất từ 330-478m, nhiệt độ nước khai thác trên 300C trở lên, độ khoáng hóa từ thấp đến cao, nhưng hiện chỉ dùng cấp nước sinh hoạt, chưa được đầu tư nghiên cứu và quản lý đúng mức phục vụ cho y học, du lịch, nghiên cứu khoa học!

Khai thác, sử dụng nước ngầm theo hướng bền vững

Theo Tài nguyên và Môi trường, trong điều kiện bình thường không có sự biến động lớn về tài nguyên nước mặt (khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước nghiêm trọng) thì nhu cầu sử dụng nước ngầm ở Vĩnh Long thấp hơn so với nước mặt. Nhưng trước tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, khô hạn diễn biến khó lường thì nước ngầm càng có ý nghĩa hơn trong những năm tới. Ngành Tài nguyên và Môi trường đã và đang tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý nhằm khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước quý giá này. Tỉnh khuyến khích phát triển các mô hình khai thác nước ngầm tầng sâu cấp nước tập trung hoặc nối mạng để sử dụng tiết kiệm và dễ quản lý. 

Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành điều tra, thống kê các hộ khai thác nước ngầm, các giếng đang khai thác, các hộ hành nghề thăm dò khai thác, từng bước lập lại trật tự trong lĩnh vực quản lý nước ngầm theo quy định của pháp luật. Từ năm 2006-2010, cơ quan này đã tổ chức lấp, trám 237 giếng và sửa chữa 158 giếng trong tổng số 578 giếng bị hư hỏng để bảo vệ tầng nước ngầm ở các huyện: Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Bình Tân, TP Vĩnh Long.

Tỉnh đã thực hiện Dự án điều tra và quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Dự án nhằm rà soát và cập nhật, khảo sát, điều tra thêm các nguồn tài liệu khoa học, số liệu điều tra cơ bản về nước (gồm nước mặt và nước ngầm) làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước của tỉnh (như cấp phép thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên nước, chống ô nhiễm nguồn nước…).  Quy hoạch đã phân vùng chức năng đối với tài nguyên nước ngầm ở Vĩnh Long là: Nguồn nước ngầm ở tiểu vùng TP Vĩnh Long, Long Hồ là nguồn nước dự trữ cho các trường hợp khô hạn, thiếu nước và phục vụ các ngành công nghiệp có giá trị cao. Nguồn nước ngầm ở các huyện còn lại là nguồn nước dự trữ cho các trường hợp khô hạn, thiếu nước và phục vụ cấp nước sinh hoạt.

Tỉnh cũng đã khuyến khích các tổ chức, các nhà máy chuyển đổi khai thác nước ngầm cấp nước sinh hoạt kém hiệu quả, chất lượng nước cấp không tốt sang khai thác nước mặt từ sông, rạch. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2017-2021 đã có 3 nhà máy cấp nước sạch nông thôn khai thác nước ngầm ở huyện Long Hồ được chuyển sang khai thác nước mặt hoặc ngưng hoạt động. Đó là: Nhà máy nước Trương Vách (tại xã Tân Hạnh, có công suất khai thác nước ngầm 10m3/giờ, phục vụ hơn 100 hộ), nhà máy nước Thăng Long (ở xã Thanh Đức, có công suất 900 m3/ngày đêm, cung cấp nước cho hơn 1.800 hộ) và nhà máy nước Bình Hòa Phước (ở xã Bình Hòa Phước, có công suất 1.000 m3/ngày đêm, phục vụ khoảng 2.000 hộ).

Ngoài ra, tỉnh cũng cho phép giữ lại các giếng tầng sâu hoặc khoan thêm để dự phòng cấp nước khi hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra gay gắt như mùa khô năm 2015-2016, 2019-2020. Cụ thể như: Cuối năm 2020, UBND tỉnh Vĩnh Long cấp giấy phép cho Công ty CP cấp nước Vĩnh Long (phường 1, TP Vĩnh Long) khoan 2 giếng khai thác nước ngầm (tại khóm Tân Vĩnh Thuận, phường Tân Ngãi, TP Vĩnh Long) ở độ sâu 380 m (lưu lượng dự kiến 2.880 m3/ngày đêm) nhằm bổ sung nguồn nước cho nhà máy nước Trường An để cấp nước sinh hoạt khi có xâm nhập mặn. Đồng thời, UBND tỉnh cũng cho phép nhà máy nước Bình Hòa Phước giữ lại 2 giếng khoan tầng sâu đã khai thác trước đó để dự phòng khi nguồn nước mặt bị nhiễm mặn.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Vĩnh Long sẽ triển khai thực hiện các dự án: Nghiên cứu đánh giá trữ lượng nước tầng sâu, đặc biệt quan tâm đến chỉ tiêu Arsen (thạch tín) và đánh giá chất lượng nước ngầm tại 4 nguồn nước khoáng-nước nóng nêu trên để phục vụ cho các ngành công nghiệp có giá trị cao như sản xuất nước khoáng, nước giải khát…và cho y học, từng bước sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguồn nước ngầm trong tỉnh.

Thành Thặng

Văn Bản Mới
Câu chuyện truyền thanh
Video clip ngành