Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm dừa Việt Nam

23/09/2022 01:45 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Ngày 20/9/2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm dừa, phiên tư vấn được tổ chức tại tỉnh Bến Tre nơi được coi là thủ phủ dừa của Việt Nam. Phiên tư vấn cũng được phát trực tuyến trên nền tảng Zoom.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết, cây dừa được xếp thứ 4 trong các cây công nghiệp lâu năm của Việt Nam sau cao su, hồ tiêu, điều. Hiện nay, trên cả nước có khoảng 175 nghìn hecta, tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung. Dừa được xác định là cây trồng quan trọng, cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhiều ngành sản xuất công nghiệp, thực phẩm, mỹ phẩm. Hiện nay, xu hướng tiêu thụ dừa và các sản phẩm từ dừa trên thế giới đang tăng cao, trong khi tiềm năng xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa của Việt Nam thì rất lớn, thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tiếp tục được giữ vững và mở rộng, hiện đã xuất khẩu đến gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dừa của Việt Nam được cộng đồng dừa quốc tế ICC đánh giá cao về năng suất và chất lượng.

z3743896780465_0d4f5f363966f9c1199a96707018d4c0.jpg

Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, tham tán thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã thông tin, dừa có sức hút tự nhiên rất lớn từ EU trong đó có Cộng hòa Séc. Hệ thống phân phối tại Séc có sự tham gia tích cực của người gốc Việt từ tất cả các phân khúc, từ nhập khẩu, phân phối, logistics đến buôn bán lẻ. Tuy nhiên, dừa Việt Nam xuất khẩu vào EU và Séc chưa nhiều. Ba nhóm sản phẩm có xuất khẩu vào Eu và Séc gồm: dừa đã bỏ vỏ xốp, còn nguyên sọ; cơm dừa sấy khô; dừa tươi nguyên trái. Cộng hòa Séc là thị trường nhỏ, tuy nhiên có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ chung của EU. Giá bán dừa Việt Nam tại Séc trên các trang thương mại điện tử khoảng 90 nghìn đồng Việt Nam. Do là thành viên của EU, nên tất cả các sản phẩm nhập khẩu vào Séc đều được hưởng thuế nhập khẩu 0% theo hiệp định EVFTA. Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy cũng lưu ý doanh nghiệp về nhãn hàng phải ghi bằng tiếng địa phương.

Ông Cao Xuân Thắng, phụ trách thương vụ Việt Nam tại Singapore chia sẽ, Singapore là địa điểm trung chuyển thương mại lớn trong khu vực, là thị trường rất đắt đỏ. Cơ cấu GDP năm 2021 với 69,8% dịch vụ, 26,4% công nghiệp, dưới 0,5% nông nghiệp tương đương dưới 10% tổng nhu cầu thực phẩm. Nhu cầu nhập khẩu trái cây mỗi năm là 433,100 tấn, trong đó 40% từ Malaysia, 13% từ Trung Quốc, 8% từ Nam Phi và 39% từ các quốc gia khác. Trong 3 năm 2019 – 2021, tổng lượng nhập khẩu có chiều hướng tăng (lần lượt 428,900 tấn, 427,700 tấn, 433,100 tấn), trong đó lượng nhập khẩu từ Malaysia, Trung Quốc và Nam Phi chiếm tỷ trọng lớn nhất, tương đối ổn định và có chiều hướng tăng lên. Dừa và các sản phẩm từ dừa được ưa chuộng và phổ biến tại Singapore sử dụng trực tiếp như dừa trái tươi, nước cốt dừa, sữa dừa, dầu dừa,… sử dụng gián tiếp có các sản phẩm như than dừa, giá thể trồng cây,… Singapore là đất nước đa sắc tộc, đa văn hóa nên có rất nhiều món ăn sử dụng nguyên liệu từ trái dừa, có thể kể đến như món Laksa (có thành phần nước cốt dừa), các món Cà ri của người Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, ngoài ra còn có các loại bánh, kem sử dụng nguyên liêu từ dừa. Ông Cao Xuân Thắng cũng lưu ý với doanh nghiệp trước khi xuất khẩu mặt hàng thực phẩm vào Singapore cần xác định danh mục thực phẩm: nguyên trái, sơ chế, chế biến…; xin cấp phép/ đăng kí với SFA; tuân thủ các qui định liên quan về thực phẩm: Halal, HCCCP…; tuân thủ các điều kiện qui định của SFA về một số loại thực phẩm đặc thù; xin phép nhập khẩu; đặt lịch kiểm soát chất lượng để nhập khẩu. Đối với bao bì thì tối thiểu phải có nhãn tiếng Anh hoặc nhãn phụ bằng tiếng Anh; trên bao bì ghi đầy đủ các tiêu chuẩn, chứng chỉ, đặc biệt là đối với sản phẩm Halal; yêu cầu phải có đủ thông tin cơ bản như nguồn gốc sản phẩm, trạng thái tự nhiên, thành phần, các chất gây dị ứng, ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Ông Nguyễn Thành Huy, phụ trách thương vụ Việt Nam tại Thái Lan thông tin, Thái Lan xếp vị trí thứ 3 về xuất khẩu dừa trên thị trường quốc tế sau Indonesia và Philipine. Trong giai đoạn 2019 – 2021, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu của các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc. Nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ đạo bao gồm dừa non, dừa hữu cơ, dừa đã bóc vỏ và các sản phẩm từ dừa (dừa khô, tinh dầu dừa, cừi và nước cốt dừa). Nhu cầu tiêu thụ dừa trong nước và làm nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu là rất lớn, đây sẽ là thị trường ngách tiềm năng dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Ông Nguyễn Thành Huy cho biết, để chinh phục khách hàng Thái Lan, các doanh nghiệp cần tập trung vào các nhóm sản phẩm nguyên chất (dừa tươi) và thực phẩm (đồ ăn snack, dầu dừa, thức uống chế biến từ dừa) hướng tới nhóm khách hàng trung cấp và bình dân. Các sản phẩm cần hướng tới tính mới mẻ, ứng dụng cao trong cuộc sống. Quy trình nhập khẩu tại Thái Lan gồm có 6 bước: đăng kí trực tiếp với hải quan hoặc đơn vị vận chuyển; kiểm tra yêu cầu nhập khẩu và phân loại hàng hóa căn cứ theo mã HS; chuẩn bị và nộp giấy tờ theo yêu cầu; tính toán và thanh toán thuế, phí theo yêu cầu; kiểm tra hàng hóa theo yêu cầu hải quan; hoàn tất thủ tục thông quan hàng hóa. Doanh nghiệp Việt Nam cần tìm doanh nghiệp địa phương có chức năng nhập khẩu sản phẩm. Chỉ định đối tác logistics để tối ưu hóa và quản lý chuỗi cung ứng để tiết kiệm chi phí và thời gian. Kiểm tra kỹ thông tin trên cổng thông tin Cục Phát Triển doanh nghiệp, Bộ Thương mại Thái Lan hoặc thông qua thương vụ Việt Nam tại Thái Lan.

z3743896976501_a4caec21530189af55fec8f2b07cd991.jpg

Ảnh minh họa

Ông Trương Xuân Trung, tham tán thương vụ Việt Nam tại UAE chia sẽ, UAE là một trong những nền kinh tế hàng đầu trong các nước Ả Rập và nằm trong nhóm 25 nền kinh tế có tính cạnh tranh cao nhất thế giới. UAE là một quốc gia giàu có, nông nghiệp chỉ chiếm 1% GDP, 80% thực phẩm và đồ uống được nhập khẩu. UAE là trung tâm hàng hóa để xuất khẩu sang các nước Trung Đông, Châu Phi, Nam Âu. Hiện nay, UAE đang nhập khẩu dừa tươi từ Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Sri-Lanka để phục vụ cho thị trường trong nước và tái xuất khẩu sang các nước khác trong Vùng Vịnh. Ngoài ra, UAE cũng có nhu cầu nhập khẩu một số sản phẩm từ dừa như nước dừa đóng lon, sữa dừa, bột dừa… Hiện nay, thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có trái dừa tươi và các sản phẩm từ dừa là 5% (trừ một số mặt hàng dược phẩm). Bộ chứng từ nhập khẩu bao gồm giấy phép thương mại do Cục phát triển kinh tế (DED) từ các Tiểu vương quốc cấp; Lệnh giao hàng từ đại lý vận chuyển và bộ chứng từ (hóa đơn thương mại, CO, Packing list); giấy phép nhập khẩu (hàng hóa hạn chế, hàng hóa miễn thuế); Bill tàu; giấy chứng nhận y tế;… Đối với các sản phẩm trái dừa tươi thì cần đóng thùng carton và có nhãn mác gồm tên sản phẩm, trọng lượng, xuất xứ, hạn sử dụng, thành phần dinh dưỡng,… tên, địa chỉ, điện thoại, email của công ty sản xuất hay xuất khẩu bằng tiếng Anh và tiếng Ả Rập. Thùng carton đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và vận chuyển quốc tế. Quy định kỹ thuật của UAE UAE.S GSO 9:2017 quy định rằng tất cả các thành phần thực phẩm đã được chiếu xạ phải được xác định trên bao bì và hiển thị logo quốc tế.

Theo Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại các nước, dừa và các sản phẩm từ dừa có triển vọng rất lớn về xuất khẩu, với giá cả cao, do nhu cầu về thực phẩm xanh đang trở thành xu hướng tiêu dùng của thế giới. Theo đó, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành dừa các nước cũng rất lớn nhất là về giá cả, cùng với đó, doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ theo nhiều tiêu chuẩn khắt khe của các nước và các nhà nhập khẩu.

Một số doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu dừa tươi và các sản phẩm từ dừa:

- Hệ thống siêu thị Al Maya: hiện đang có nhu cầu dừa tươi, nước dừa, sữa dừa, bột dừa

+ Người liên hệ: Mr. Deepak Sanwlani – Area Manager

+ Điện thoại: +971.4.3420626

+ Email: edp1650@amaya.ae

- Hệ thống siêu thị Choithrams: nhu cầu nhập khẩu dừa tươi và nước dừa đóng lon

+ Người liên hệ: Mr. Pankaj Sajnani – Category Manager

+ Điện thoại: +971.4.2979991 (ext 1372)

+ Email: Pankaj-purchase@choithrams.com

Để tránh tình trạng xãy ra sự cố hoặc lừa đảo, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần thương lượng hình thức thanh toán hợp lý, điều tra kỹ thông tin của đối tác. Khi cần thiết có thể liên hệ thương vụ Việt Nam tại UAE theo địa chỉ:

Marsa Plaza Tower

Dubai Festival City, Dubai, UAE

Phone: +971.4.3286092

Mobile: +971.505790736

Email: ae@moit.gov.vn

Cổ Nhân

 

$strImgLeft
Ảnh hoạt động
GIAN HÀNG MẪU
GIỚI THIỆU TT XTTM
GIỚI THIỆU DOANH NGHIỆP
TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
79
16843251