Đang truy cập
Tổng truy cập
52
23333565
Giới thiệu quyển sách “Tự hào Quốc ca Việt Nam – Văn Cao – Bậc tài danh thế kỷ”
Nhạc sĩ Văn Cao gắn liền với những ca khúc như: Mùa xuân đầu tiên, Thiên thai, Suối mơ, Trường ca sông Lô,…in sâu vào trong tâm hồn của người nghe nhạc mỗi khi những giai điệu ấy vang lên.
Ca khúc Tiến quân ca của ông được chọn làm Quốc ca Việt Nam với giai điệu hào hùng đã làm dâng lên niềm tự hào của biết bao người dân đất Việt. Thế giới âm nhạc của Văn Cao thật sang trọng và lâu bền với thời gian. Nhạc của ông cứ “rền trên cõi tiên” với những âm thanh vọng vào nhân thế, có khi là những ca khúc viết về tình yêu quê hương, đất nước. Các tác phẩm của ông chất chứa những những giai điệu du dương, sâu lắng, ngọt ngào đôi lúc hào hùng làm người nghe không khỏi bồi hồi, lắng đọng và tự hào. Để giúp bạn đọc tìm hiểu thêm về người nhạc sĩ tài hoa này, Thư viện tỉnh Vĩnh Long xin trân trọng giới thiệu quyển sách “Tự hào Quốc ca Việt Nam. Văn Cao – Bậc tài danh thế kỷ” của tác giả Nguyễn Thụy Kha do nhà xuất bản Hà Nội xuất bản vào năm 2023, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao.
Quyển sách dày 142 trang gồm 21 bài viết về chân dung, cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật, tham gia cách mạng của nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ Văn Cao, kể về những kỷ niệm sáng tác các ca khúc bất hủ của ông như: Trên đường kháng chiến, Tiến về Hà Nội, Bến xuân,…; 45 bài thơ như: Ai về Kinh Bắc, Đường rừng, Trong mùa Xuân đời tôi, Người đi dọc biển,..và 100 bức ảnh Văn Cao của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán giúp bạn đọc thấy được những công lao, đóng góp của ông trong sự nghiệp nghệ thuật nước nhà.
Nhạc sĩ Văn Cao sinh ngày 15-11-1923 tại Hải Phòng. Nhạc sĩ từng tham gia hoạt động cách mạng và nghệ thuật. Lúc trẻ ông làm nhân viên Sở Bưu điện Hải Phòng, bắt đầu sáng tác thơ, viết văn xuôi, vẽ và viết ca khúc từ năm 1939. Một số ca khúc: Buồn tàng thu (1939), Thiên thai (1941), Thăng Long hành khúc ca và Gò Đống Đa (1943), Tiến quân ca(1944)… Tham gia triển lãm “Duy Nhất” với ba bức sơn dầu, trong đó có Cuộc khiêu vũ của những người tự tử. Giai đoạn này tham gia hoạt động trừ gian và làm báo bí mật từ năm 1944 đến 19-8-1945.
Từ Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, ông làm báo Lao động, giúp Hà Đăng Ẩn chuyển vũ khí và tiền vào Quảng Ngãi (1-1946). Toàn quốc kháng chiến, ông về khu III Chợ Đại – Hà Đông; được điều lên Lào Cai làm công tác tình báo, sau về qua Việt Bắc; tham gia phái đoàn sang thăm Liên Xô. Giai đoạn này, ông viết các ca khúc: Bắc Sơn (1946), Làng tôi (1947), Trường ca sông Lô (1947)…
Từ hòa bình lập lại đến 30/4/1975, ông làm báo Văn nghệ, tham gia trong Hội đồng Biên tập và là Ủy viên chấp hành Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ông viết ba tác phẩm cho piano Sông Tuyến, Biển đêm, Hàng dừa xưa (1958), viết giao hưởng thính phòng Anh bộ đội Cụ Hồ (1973), xuất bản tập ca khúc Làng tôi (1974).
Từ giải phóng miền Nam đến 10/7/1995, ông là Ủy viên chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 3 (1983 – 1989). Ông viết ca khúc Mùa Xuân đầu tiên (1976), nhạc phim chị Dậu (1980), xuất bản tập thơ Lá (NXB Tác phẩm mới, 1988)…
Ông được nhận Huân chương Độc lập hạng Ba (1988), Huân chương Độc lập hạng Nhất (1994). Ông mất ngày 10-7-1995, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996).
Bạn đọc có thể biết được hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Tiến Quân ca” của ông qua bài viết “Hành khúc cho một dự báo” (Tr. 17 – 19) được tác giả sưu tầm từ báo Nhân Dân hàng tháng, số 4/8-1997. Ca khúc ra đời vào một dịp tình cờ ông gặp Vũ Quý vào mùa đông năm 1944 ở ga Hàng Cỏ. Vũ Quý đề nghị ông thoát ly hoạt động cách mạng, và nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một ca khúc cho quân đội Việt Minh. Phải mất nhiều ngày, ông hoàn thành bản hành khúc, tại căn gác hẹp số 171 phố Mongrant: “Trên mặt bàn chỗ chàng làm việc, tờ Cờ giải phóng đăng những tin tức đầu tiên về những trận chiến thắng ở Võ Nhai. Trước mắt chàng, mảnh trời xám và lùm cây Hà Nội không còn nữa. Chàng đang sống ở một khu rừng nào đó trên kia, trên Việt Bắc. Có nhiều mây và hy vọng. Và bài hát đã xong” (Tr. 19). Tên bài hát và lời ca của Tiến quân ca là sự tiếp tục từ bài hát “Thăng Long hành khúc ca” và bài “Gò Đống Đa” đã được ông rút ngắn thành bài hát “Tiến Quân ca”. Ca khúc mang hơi thở dự báo chiến thắng cho cách mạng Việt Nam. Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh như thế với giai điệu đầy thiêng liêng và tự hào của dân tộc, bài hát được Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định chọn là Quốc ca Việt Nam vào năm 1946.
Câu chuyện “Trở lại mùa xuân đầu tiên” (Tr. 44 – 47) giúp bạn đọc cảm nhận những ký ức đẹp của Văn Cao đối với những người bạn cũ, văn nghệ sĩ trẻ như: Vũ Bằng, Lê Thương, Sông Thai, Hoàng Hưng,… Họ là những người bạn, người thầy cùng đồng cảm và cảm phục vể những tác phẩm nghệ thuật và tài năng sáng tạo của nhau.
Văn Cao – nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến lớn lao cho nền âm nhạc Việt Nam và được tác giả khẳng định là “Bậc tài danh của thế kỷ”. Giai điệu sáng tạo trong từng bài hát của ông có lúc du dương, trầm lắng, có lúc hào hùng đã để lại biết bao dấu ấn không phai trong lòng mỗi người nghe nhạc của biết bao thế hệ. Nhạc sĩ Văn Cao đã ra đi về cõi vĩnh hằng nhưng các ca khúc của ông vẫn còn sống mãi với thời gian!
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Ký hiệu môn loại: 780.92/T550H
Cúc Hương
- Thư mục sách mới tháng 2.2025 (05/02/2025)
- Giới thiệu quyển sách “Quy tắc 5 giây” (05/02/2025)
- Giới thiệu quyển sách “Mỗi ngày một niềm hy vọng” (04/02/2025)
- Giới thiệu quyển sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cộng sản Việt... (01/02/2025)
- Giới thiệu quyển sách "Chế độ dinh dưỡng và phương pháp tập luyện... (24/01/2025)
- Thư viện tỉnh Vĩnh Long tổ chức trưng bày, giới thiệu sách và... (24/01/2025)
- Giới thiệu quyển sách “Tự hào Quốc ca Việt Nam – Văn Cao – Bậc... (24/01/2025)