Chuyên mục
Ảnh hoạt động
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
87
20327272

Giới thiệu quyển sách “300 ngày đấu tranh, thi hành hiệp định Giơnevơ (22.7.1954 – 17.5.1955)”

23/07/2024 09:15 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân ta đã buộc chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia.

Sau khi Hiệp định được ký kết, Đảng và nhân dân ta vừa nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định đồng thời đấu tranh chống lại những âm mưu phá hoại của địch nhằm giữ gìn thành quả cách mạng của chín năm trường kỳ chống thực dân Pháp. Nhân kỷ niệm 70 năm (21/7/1954 –  21/7/2024) Hiệp định Giơnevơ được ký kết chấm dứt chiến tranh ở các nước Đông Dương, Thư viện tỉnh Vĩnh Long xin trân trọng giới thiệu quyển sách: “300 ngày đấu tranh, thi hành Hiệp định Giơnevơ (22.7.1954 – 17.5.1955)” của tác giả Lê Thanh Bài chủ biên do nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản năm 2019.

19 (23.7.2024) 300 ngay dau tranh.jpg

Quyển sách gồm ba chương:

Chương 1: Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ (Tr. 7 – 38) cho chúng ta thấy tình hình trong nước sau Hội nghị Giơnevơ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nghiêm chỉnh thực hiện đình chiến, củng cố hòa bình, tiếp quản vùng giải phóng, phục hồi kinh tế quốc dân và đề ra các chính sách kinh tế, xây dựng quan hệ ngoại giao với các nước, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc,…Sau khi hiệp định được ký kết, đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta luôn hết sức tỉnh táo đề phòng, nâng cao chí khí chiến đấu chống lại những âm mưu phá hoại của thế lực thù địch, đặc biệt là đế quốc Mỹ. Quyển sách còn đề cập đến tình hình quốc tế sau Hội nghị, cụ thể ở các nước: Lào, Campuchia, Nhật Bản, Anh,…; Âm mưu phá hoại Hiệp định Giơnevơ của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và các thế lực phản động.

Chương 2: Đấu tranh chống âm mưu phá hoại miền Bắc, cưỡng ép di cư, trao trả tù binh theo quy định của Hiệp định (Tr. 39 – 149). Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Trung ương Đảng, các cấp ủy, chính quyền các địa phương đã lãnh đạo quần chúng, công nhân đấu tranh chống lại âm mưu của địch chống phá cách mạng Việt Nam. Nhân dân tại Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố, thị xã ở đồng bằng Bắc Bộ đã tổ chức hàng trăm cuộc đấu tranh lớn nhỏ với nhiều hình thức, ngăn chặn, đẩy lùi các âm mưu, hành động phá hoại của địch, giữ lại phần lớn máy móc, trang thiết bị của các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ,…; tích cực vận động binh lính đối phương bỏ hàng ngũ về với cách mạng; đấu tranh chống phá mưu đồ cưỡng ép đồng bào theo Đạo Thiên Chúa di cư vào miền Nam. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành trao trả tù binh cho phía Pháp và tổ chức đưa đón đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra miền Bắc bảo đảm đúng tiến trình, thời gian, chu đáo, chặt chẽ, thể hiện sự nghiêm chỉnh và tinh thần  đoàn kết Nam – Bắc một nhà, vì lợi ích của dân tộc, quốc gia trên hết.

Cùng với việc chuyển quân tập kết, ta tiến hành tổ chức chuyển quân, bố trí, sắp xếp lực lượng miền Nam tập kết và giữ gìn lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu dài được thể hiện trong Chương 3:Chuyển quân tập kết giữ gìn lực lượng cho cuộc chiến đấu mới (Tr.150 – 205).

Ở phần phụ lục đề cập đến các nội dung về “Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam” gồm 6 chương, 47 điều và “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ”  gồm 11 vấn đề.

Quyển sách khẳng định thắng lợi vẻ vang của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh trên mặt trận ngoại giao; qua đó thúc đẩy, nâng cao lòng tự hào dân tộc và quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam mến yêu ngày càng phát triển.

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Ký hiệu môn loại: 959.7041/B100TR

Cúc Hương

Văn Bản Mới
Video