Chuyên mục
Ảnh hoạt động
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
49
16799789

Giới thiệu quyển sách: “Đồng chí Nguyễn Lam – Bí thư thứ nhất đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”

26/03/2024 09:13 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, lực lượng đoàn thanh niên là một nhân tố không thể thiếu, là sức sống hiện tại, là tương lai của dân tộc. Bác Hồ từng khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.

Với khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, dân tộc bằng chính năng lực, trí tuệ và bản lĩnh để xứng đáng với niềm tin của Đảng và Bác Hồ, đồng chí Nguyễn Lam đã trở thành một biểu tượng về tinh thần yêu nước bất diệt của thanh niên Việt Nam mọi thời đại.

Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2024), Thư viện tỉnh Vĩnh Long trân trọng giới thiệu quyển sách viết về “Đồng chí Nguyễn Lam – Bí thư thứ nhất đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”, do Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức biên soạn, được Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2021.

47 (26.03.2024) dong chi nguyen lam.jpg

Với 316 trang, nội dung quyển sách được biên soạn thành bốn chương; chương mở đầu sẽ giới thiệu về “Truyền thống quê hương và tuổi trẻ sôi nổi (1921-1949)”. Những nội dung của chương sẽ giới thiệu đến bạn đọc đồng chí Nguyễn Lam với tên khai sinh Lê Hữu Vỵ, sinh ngày 31/12/1921 tại thôn Đại Cầu, xã Tiên Tân (huyện Duy Tiên, Hà Nam), và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng năm 1939; cùng những thông tin về đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam và xây dựng mái ấm gia đình với người đồng đội cùng chí hướng - Nguyễn Thị Lan vào năm 1947, với một lễ cưới đặc biệt vắng cả chú rể và cô dâu vì nhiệm vụ cấp bách.

Đến với chương hai viết về “Người thủ lĩnh thanh niên nhiệt huyết, tận tâm, sâu sát chỉ đạo phong trào (1949-1962)”. Chủ đề chương nhấn mạnh đến thanh niên, một lực lượng có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; cũng như Đảng và Bác Hồ tin tưởng đặt trọng trách thủ lĩnh lên vai đồng chí Nguyễn Lam.

Khi tìm hiểu chương này, bạn đọc sẽ hiểu sâu hơn sự quyết tâm của đồng chí Nguyễn Lam nhằm đáp lại sự kỳ vọng mà Đảng và Bác Hồ giao phó thông qua những hoạt động như: Tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cứu quốc lần thứ nhất; thành lập và lãnh đạo lực lượng Thanh niên xung phong; tập trung sức mạnh thanh niên phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ; khai sinh và là Chủ nhiệm đầu tiên tờ báo Đoàn; lãnh đạo thanh niên cải tạo, xây dựng miền Bắc, xung kích trên các mặt trận, đi đầu trong đấu tranh thống nhất đất nước.

Tiếp chương ba đề cập việc “Hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được Trung ương Đảng giao phó (1962-1982)”. Đọc nội dung của chương, bạn đọc sẽ khâm phục tài năng của đồng chí Nguyễn Lam, trên cương vị mới – lãnh đạo xây dựng Thủ đô Hà Nội trong chặng đường đầu tiên của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, một nhiệm vụ rất quan trọng sau khi đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa III và đồng chí được Ban Bí thư cử tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội ngày 24/6/1961; đến ngày 06/3/1962, đồng chí chính thức thôi giữ chức vụ Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.

Trên cương vị mới, đồng chí Nguyễn Lam đã cùng với Đảng bộ và chính quyền Thành phố Hà Nội lãnh đạo quân dân Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu và đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của không quân Mỹ.

Tháng 02/1967, đồng chí Nguyễn Lam được điều động giữ chức Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ, đến năm 1969 là Bộ trưởng kiêm phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Trưởng ban Ban Vật giá Trung ương; tháng 3/1974 tiếp tục được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội lần hai; tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng năm 1976 được bầu vào Ban Chấp hành và được cử vào Ban Bí thư, được giao đảm nhiệm Trưởng Ban Công nghiệp Trung ương; năm 1980 làm phó Thủ tướng Chính phủ.

Chương cuối quyển sách giới thiệu “Đồng chí Nguyễn Lam trong lòng đồng chí, đồng bào và bè bạn”; khi đọc nội dung, bạn đọc sẽ hiểu rõ về một con người mà cả cuộc đời dành trọn cho sự nghiệp cách mạng, một tấm gương tiêu biểu của tuổi trẻ yêu nước; và ngày 01/4/1990 đồng chí đã từ trần để lại nhiều tiếc thương cho gia đình, đồng chí, bạn bè gần xa, đặc biệt là với các thế hệ đoàn viên và thanh niên.

Quyển sách là tài liệu quý với những thông tin về đồng chí Nguyễn Lam và phong trào cách mạng thanh niên. Đồng thời, nội dung sách cũng là thông điệp gửi đến bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ hôm nay về tinh thần cách mạng kiên trung, vượt khó, sáng tạo, nhiệt huyết của thanh niên trong thời kỳ mới.

Sách hiện đang lưu trữ tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Rất hân hạnh phục vụ quý độc giả!

Ký hiệu sách: VV.041362.

Hồ Minh

Văn Bản Mới
Video