Chuyên mục
Ảnh hoạt động
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
51
16802252

Giới thiệu quyển sách: “Xã hội học tập – Học tập suốt đời và các kỹ năng tự học”

18/09/2023 08:38 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Xây dựng xã hội học tập là nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Trong xã hội học tập không giới hạn phạm vi hay đối tượng, việc học tập suốt đời cũng không phân biệt độ tuổi; vì vậy, xây dựng môi trường thân thiện hun đúc tinh thần học tập và tự học là trách nhiệm chung của cá nhân và cộng đồng.

Nhằm góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh, Thư viện tỉnh Vĩnh Long trân trọng giới thiệu quyển sách “Xã hội học tập – Học tập suốt đời và các kỹ năng tự học” của hai tác giả Nguyễn Cảnh Toàn và Lê Hải Yến đồng biên soạn, được Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành năm 2012.

Xa hoi hoc tap va ky nang hoc tap suot doi 2023.jpg

Nội dung quyển sách gồm ba phần, với độ dày 415 trang; phần một sẽ giới thiệu đến bạn đọc chủ đề “Giáo dục thường xuyên – Học suốt đời và xã hội học tập”. Mở đầu nội dung, tác giả đề cập cơ sở lý luận chung về giáo dục thường xuyên, trong đó có nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục chính quy, không chính quy; đồng thời, nêu ra các đặc điểm, khó khăn của giáo dục thường xuyên và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.

Sang phần hai với chủ đề “Các kỹ năng tự học”; trong đó, bạn đọc sẽ tìm hiểu yếu tố đầu tiên về “bản chất của tự học” đã được nhân loại minh chứng rất cụ thể như: Gibbon với câu nói “Mỗi người đều phải nhận hai thứ giáo dục, một thứ do người khác truyền cho, một thứ quan trọng hơn – do chính mình tạo lấy”; và Lênin cũng khuyên thanh niên rằng “Học, học nữa, học mãi!”; đặc biệt, Bác Hồ luôn nhắc nhở chúng ta “Cách học tập, phải lấy tự học làm cốt, phải biết tự động học tập”.

Việc tự học còn thể hiện qua nội lực của người tự học như: Người học cần có một nền tảng học vấn nhất định; có mục đích-động lực-nhu cầu học; phương pháp học đúng đắn và khoa học; phải biết vận dụng; phải biết tận dụng hết những thuận lợi trong điều kiện và hoàn cảnh, khắc phục những khó khăn trong quá trình tự học. Bên cạnh đó, những tác động từ ngoại lực cũng góp phần vào thành công của người tự học như: Theo mô hình đào tạo nào; cơ chế nào; sự quản lý của nơi đào tạo như thế nào; học liệu và phương tiện gì.

Sang yếu tố tự học với việc đọc sách, bạn đọc sẽ tham khảo mô hình tự học và đọc sách hiệu quả với các kỹ năng như: Nói thầm hay ngôn ngữ bên trong; đọc để tư duy, tư duy để đọc; đọc bằng phương pháp kiến tạo; viết những ý nghĩ lên giấy. Bên cạnh đó, bạn đọc cũng cần chú ý đến việc ghi chép lại những ý quan trọng, vẽ sơ đồ sau khi đọc, tóm tắt nội dung đọc, đặt câu hỏi cho chủ đề đọc, đồng thời nắm bắt dữ liệu đọc, xác định mục đích đọc hiểu xử lý dữ liệu đó, tổng hợp và ghi nhớ thông tin.

Ngoài ra, các yếu tố liên quan trực tiếp đến các kỹ năng tự học cũng được tác giả nêu cụ thể nhằm giúp bạn đọc nắm rõ hơn như: Kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề trong việc tự học; ghi nhớ và vận dụng kiến thức; tìm hiểu cơ sở tư duy các môn học để tự học đạt hiệu quả cao; các cơ sở đào tạo cần có các giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng tự học.

Tự học ở các lứa tuổi” là chủ đề phần cuối quyển sách. Trong đó, tự học ở tuổi học đường là nội dung mở đầu với các quan niệm về trẻ em thời đại ngày nay thể hiện qua các yếu tố về quy luật phát triển riêng, giai đoạn quan trọng của cuộc đời; bởi trẻ em là sản phẩm của xã hội hiện đại, chưa hề có trong quá khứ; muốn giáo dục trẻ phải hiểu trẻ; Bác Hồ từng khuyên rằng: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Vấn đề tiếp theo là mục tiêu giáo dục thông qua thực tiễn đòi hỏi của con người trong tương lai, cùng những kỹ năng của thế kỷ XXI – thế kỷ công nghệ thông tin và truyền thông, kết hợp với tư duy con người. Trong đó, mục tiêu của giáo dục bậc phổ thông hiện nay ở nước ta là đào tạo ra những con người vừa hồng vừa chuyên hoặc đủ đức đủ tài. Muốn thực hiện tốt các vấn đề này cần phải có phương pháp giáo dục tích cực nhằm khơi dậy và mở rộng tiềm năng của học sinh, giúp học sinh ham học hay hứng thú học, biết cách tự học, rèn luyện và phát triển tư duy sáng tạo, khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề.

Nội dung tiếp theo là học và tự học ở lứa tuổi thứ ba – người cao tuổi; đây là đối tượng cần được quan tâm chăm sóc nhằm tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Quyển sách “Xã hội học tập – Học tập suốt đời và các kỹ năng tự học” là tài liệu rất hữu ích cho công tác xây dựng xã hội học tập, đặc biệt trong môi trường học đường; nơi cần thiết phải xây dựng thói quen tự học hiệu quả nhằm phục vụ cho việc học tập suốt đời, hướng tới một thế hệ trẻ chủ động, sáng tạo, có kỹ năng trong thế kỷ XXI và người cao tuổi thêm hương vị cuộc sống tích cực.

Sách hiện đang lưu trữ tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Rất hân hạnh phục vụ quý bạn đọc!

Ký hiệu sách: VV.053688

Hồ Minh

Văn Bản Mới
Video