Chuyên mục
Ảnh hoạt động
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
85
20327266

Tổ quốc thiêng liêng trong trái tim Phạm Quang Lễ

13/09/2023 02:31 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Sinh thời Bác Hồ đã khẳng định: “Có anh hùng là vì có tập thể anh hùng. Có tập thể anh hùng là vì có nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng, Đảng anh hùng”. Sự thật đã chứng minh trong các giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn sản sinh ra những người con mang dòng máu anh hùng, có tinh thần yêu nước thương nòi, vượt khó vươn lên, tích cực học hỏi, cùng tư duy sáng tạo; khi Tổ quốc cần, tất cả họ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, cho dù vàng muôn bạc lượng; ở thời đại Hồ Chí Minh, có một kỹ sư Phạm Quang Lễ là người như thế. Ông tốt nghiệp nhiều trường đại học danh tiếng ở Pháp, với các ngành như: Tổng hợp, Điện, Cầu đường, Kỹ thuật hàng không,…, đang làm việc trong môi trường có thu nhập một tháng 5.500 Franc, tương đương 22 lượng vàng ở Việt Nam.

Nhưng, hoài bão của Phạm Quang Lễ không phải là cuộc sống vật chất nơi phồn hoa đô hội, mà là tình yêu bất diệt với Tổ quốc và đồng bào. Nơi đó có làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình (nay xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình), tỉnh Vĩnh Long đã nuôi nấng ông trưởng thành hàng ngày bên giấc ngủ trên cánh tay mẹ văng vẳng điệu hò ru con, những âm ngữ đầu đời cha dạy đến khi lên 7 tuổi cha mất, những đồng tiền chị gái tần tảo xuôi ngược mang về nuôi em.

Chính nơi làng quê bình dị bên dòng sông Măng đã gắn bó cả tuổi thơ cậu học trò nhỏ nhưng chất chứa hoài bão lớn; hoài bão đó được thực hiện bằng con đường vượt khó vươn lên học giỏi, cho dù ở nơi đó là vùng trời Âu, với phố thị khang trang.

Thật trùng hợp ngẫu nhiên, nơi khởi hành thực hiện hoài bão của những thiên tài yêu nước, tại một địa điểm mà thời gian cách nhau 24 năm, Bến cảng Nhà Rồng đã chứng kiến thời khắc lịch sử vào ngày 05/6/1911, chàng trai Nguyễn Tất Thành với tên Văn Ba bước lên tàu Latouche Treville bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân; cũng chính nơi đây ngày 05/9/1935, chàng trai Phạm Quang Lễ lên tàu sang Pháp thực hiện hoài bão lớn trong suốt 11 năm (1935 – 1946), vừa học tập, vừa nghiên cứu bằng nhiều hình thức trên đất Pháp, ngay cả việc xem tài liệu trong các thư viện thuộc danh mục cấm đối với công dân nước thuộc địa.

Nhưng tình yêu Tổ quốc luôn cháy bỏng trong ông, chân lý thực hiện hoài bão cuối cùng cũng đến, thời khắc ông được gặp mặt Bác Hồ trên đất Pháp (6/1946), với sự cảm mến tài năng và đức độ của Người, Phạm Quang Lễ quyết định về nước; sau 40 ngày (10/9 – 20/10/1946) theo Bác di chuyển bằng nhiều phương tiện trên đất Pháp, cuối cùng chiến hạm Dumont d’Urville đưa ông về với đất mẹ thân yêu, nơi có hàng vạn chiến sĩ và đồng bào chào đón, cùng sự kỳ vọng về những trang sử hồng của cách mạng và dân tộc Việt Nam sẽ được ông tô thắm thêm.

GS VS Tran Dai Nghia_1.jpg

Bác Hồ với Trần Đại Nghĩa - 1960

GS VS Trai Dai Nghia_2.jpg

Bác Hồ với các Đại biểu dự Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ nhất tại Việt Bắc (5-1952)
Người thứ 2 từ trái sang là Kỹ sư Trần Đại Nghĩa

Gần hai tháng sau khi về Việt Nam, ngày 05/12/1946 tại Bắc Bộ Phủ, Phạm Quang Lễ được Bác Hồ đặt cho cái tên đúng với khí chất của một người con nước Việt; Trần Đại Nghĩa –Trần là họ của Hưng Đạo Vương; Đại Nghĩa là nghĩa lớn, là chữ trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi; thật khí phách và cao cả như bài thơ của Giáo sư Phan Đình Diệu ca ngợi:

“Nghĩa lớn gọi về với nước non

Buồn vui đã trải cuộc vuông tròn

Rèn tài văn võ thời phiêu bạt

Gánh việc giang sơn thuở mất còn”.

Trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, ở nhiều cương vị khác nhau, nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc; trí tuệ và tài năng của ông đã làm cho các cường quốc xâm lược hết bất ngờ này đến bất ngờ khác; ngay cả siêu pháo đại B52 của Mỹ cũng phải chịu thảm bại trong ê chề ở chiến trường Việt Nam. Ông đã làm rạng danh Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của Bác Hồ kỳ vọng, trở thành một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa là biểu tượng của nhân sĩ trí thức yêu nước, được biểu trưng qua tinh thần dân tộc, khát vọng cho độc lập và tự do, nghị lực và ý chí vượt khó phi thường, một thiên tài khoa học quân sự kiệt xuất.

Thật tự hào, khi chúng ta được sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất đã từng nuôi dưỡng vị anh hùng của dân tộc, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một tấm gương luôn là niềm khát vọng của nhiều thế hệ hôm nay, vững tin tiếp bước cha ông bảo vệ và phát huy những thành quả to lớn trên con đường hội nhập và phát triển; và càng tự hào hơn với ngành và nghề thư viện, bởi chính lĩnh vực này đã trở thành một trong những yếu tố góp phần để Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa trở thành nhà cách mạng, nhà khoa học lừng danh.

Hôm nay và mãi mãi về sau, những người tham gia công tác trong ngành Thư viện tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ chức năng và nhiệm vụ để hỗ trợ các thế hệ trẻ cập nhật tri thức thực hiện những hoài bão lớn góp phần xây dựng quê hương và đất nước.

Nhằm tri ân tài năng và đức độ nhà khoa học lớn của cách mạng Việt Nam, một trong những người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long Anh hùng và của dân tộc Việt Nam. Nhiều công trình trong và ngoài tỉnh, các chương trình an sinh xã hội vinh dự được mang tên ông. Đặc biệt, ngay trên quê hương Tam Bình, Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa được xây dựng để tôn vinh một biểu tượng vì nước, vì dân đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ kế tục.

Hồ Minh

Văn Bản Mới
Video