Chuyên mục
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
35
18130013

Giới thiệu quyển sách “2/9/1945 qua những trang hồi ức”

26/08/2024 02:40 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Ngay sau cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và ngày 2/9/1945 thực sự là một mốc son chói lọi trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, đã chấm dứt chế độ thực dân và chế độ quân chủ, mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên độc lập dân tộc, bình đẳng và tiến bộ xã hội.

Kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2024), Thư viện tỉnh Vĩnh Long trân trọng giới thiệu quyển sách “2/9/1945 qua những trang hồi ức” để cùng ôn lại những câu chuyện xoay quanh ngày trọng đại của dân tộc.

30 (26.8.2024) 2 9 1945 qua nhung trang hoi uc.png
Quyển sách “2/9/1945 qua những trang hồi ức” có độ dày 296 trang, được nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2005. Quyển sách ghi lại những hồi ức năm xưa của các cán bộ cách mạng lão thành, các nhà văn, nhà thơ và nhân dân từng chứng kiến hoặc được nghe kể lại. Đây là những câu chuyện giàu giá trị lịch sử và được trần thuật một cách chân thực về những ngày diễn ra Tổng khởi nghĩa Tháng Tám cũng như hoàn cảnh Bác Hồ khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Quyển sách “2/9/1945 qua những trang hồi ức” với lối kể chuyện mộc mạc, gần gũi nhưng lại gợi cho ta cái nhìn sâu sắc, thấm thía hơn về giá trị của độc lập, tự do, đặc biệt là trong những năm tháng gian khổ hoạt động bí mật.

Quyển sách gồm 13 câu chuyện: Bác về Phú Gia; Bác về; Tiến tới Tổng khởi nghĩa; Hà Nội khởi nghĩa; Các Ủy ban nhân dân cách mạng ra mắt ở Hà Nội sau khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám; Hà Nội trong rạng đông kỷ nguyên Hồ Chí Minh; Cách mạng tháng Tám đến với tuổi thơ của tôi; Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Sài Gòn năm 1945; Tiến lên kỳ đài, hạ cờ vàng quẻ ly, treo cờ đỏ sao vàng; Những ngày tháng Tám năm 1945 ở Thủ đô; Đoàn thanh niên xung phong Thành Hoàng Diệu; Đội danh dự Hà Nội; Quê tôi, buổi ban đầu lập nước. Mỗi bài viết mang đến những góc nhìn và cảm xúc riêng biệt, pha lẫn tình cảm vẹn nguyên của từng tác giả.

Ở phần Hà Nội trong rạng đông kỷ nguyên Hồ Chí Minh: quyển sách đưa ta sống những ngày chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám; khí thế cách mạng sục sôi ngày 18/8/1945; đến diễn biến khởi nghĩa toàn thắng ngày 19/8/1945, cờ đỏ sao vàng tràn ngập trên đường phố Hà Nội.

Hay ở phần Bác về, bạn đọc sẽ được nghe lời kể của cụ Hoàng Thị Minh Hồ - vợ của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, chủ cũ ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập. Đọc những dòng kể của cụ bà, chúng ta như được trở về ngôi nhà lịch sử ấy, sống lại trong ký ức của những ngày mà gia đình cụ ông Trịnh Văn Bô - cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ vinh hạnh được phục vụ cho Bác; qua đó thấy được phong thái và nhân cách cao đẹp của Người, vĩ đại nhưng gần gũi và thân thương. Hơn hết, những tâm tình của cụ “tôi hiến dâng tài sản cũng như hàng triệu bà mẹ Việt Nam đã hiến dâng con, hiến dâng chồng hy sinh nơi chiến địa để rửa cái nhục mất nước, cái nhục làm dân nô lệ của ngoại bang…”, “Mình đã làm được gì cho dân tộc, đừng đòi hỏi dân tộc đã cho mình những gì” cho ta sự cảm phục trước tấm gương dám hy sinh quyền lợi để giúp đỡ cách mạng của gia đình bà.

Quyển sách “2/9/1945 qua những trang hồi ức” ghi lại khí thế cách mạng sục sôi một thời của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, đến giây phút thiêng liêng Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Dù đã qua 79 năm kể từ ngày 2/9/1945 nhưng ý chí quật cường, ý nghĩa lịch sử không thể nào quên của ngày Quốc khánh 2/9 vẫn được tiếp nối qua các thế hệ hôm nay và mai sau.

Khát vọng hòa bình và tinh thần Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9 mãi mãi in sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam!

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Quỳnh Như

Video