Chuyên mục
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
22
18129990

Giới thiệu sách “Việt Nam 12 mùa hoa”

23/08/2024 09:02 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Việt Nam có khí hậu, thổ nhưỡng và địa hình rất đa dạng, khác nhau giữa các vùng miền dọc từ Bắc vào Nam, tạo điều kiện cho muôn loài hoa thi nhau khoe sắc bốn mùa trong năm. Mỗi loài hoa có một vẻ đẹp và ý nghĩa riêng. Có loài hoa mang tên rất mộc mạc, giản dị nhưng toát lên vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy. Trong từng loài hoa có nhiều giống nhỏ hơn với nhiều mằu sắc và kiểu dáng khác nhau. Chẳng hạn như hoa hồng thì có hồng bụi, hồng thân gỗ và hồng leo. Với hoa lan thì có lan hồ điệp, lan cẩm cù, lan phi điệp…và được nhiều người yêu thích bởi nét kiêu kỳ, dáng dấp thanh nhã và sự đa dạng về chủng loại của chúng.

Quyển sách Việt Nam 12 mùa hoa là tản văn của nhà báo Nguyễn Hữu Mão, do Nxb Văn hóa dân tộc phát hành năm 2023 giới thiệu đến bạn đọc gần 80 loài hoa và được tác giả giới thiệu theo từng tháng, từng mùa trong năm. Và đặc biệt, những loài hoa đồng nội, dân dã mà tác giả đã bắt gặp trên đường ra trận khi còn là lính Phòng không - Không quân cách đây nửa thế kỷ cũng được ông giới thiệu trong quyển sách này. Đồng thời, những loại hoa bình dị, gần gũi, gắn với tuổi thơ của mỗi người như hoa tre, hoa súng, hoa bưởi, hoa cau… cũng được tác giả trình bày trong ấn phẩm này.

29 (23.8.2024) viet nam.png

Các loài hoa trong sách được tác giả chia theo từng mùa trong năm và phân bổ theo từng vùng, miền rất thuận tiện bạn đọc hình dung và tìm kiếm tư liệu.

Mùa Xuân:

Trong văn hóa người Việt, tháng Giêng có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi đây là khoảng thời gian diễn ra tết Nguyên Đán (có năm tết Nguyên Đán rớt vào tháng hai) và rất nhiều những lễ hội khác trên cả nước cũng tập trung trong mùa xuân. Trong thời điểm này, cây cối đâm chồi nảy lộc, sắc hoa rực rỡ khắp phố phường. Ở vùng núi cao Tây Bắc, hình ảnh những bông hoa đào bừng nở như báo hiệu ánh nắng ấm áp của mùa xuân đã tràn về. Đẹp hơn cả là những cành đào rừng vừa mộc mạc vừa tươi thắm sắc hồng, đường phố với những rừng hoa bạt ngàn. Ở Hà Nội còn có hoa lê trắng; hoa sưa - hoa tuyết; hoa hải đường; cây quất cũng góp phần làm cho không khí ngày xuân thêm ấm áp, đoàn viên.

Riêng ở miền Nam, tác giả giới thiệu đến bạn đọc sắc vàng rực rỡ của hoa mai, loài hoa báo hiệu một mùa xuân nữa lại đến. Sắc mai vàng tượng trưng cho sự sung túc, giàu sang phú quý, đồng thời mang đến sự phồn vinh, hạnh phúc cả một năm.

Thời điểm tháng ba, hoa ban khắp vùng núi Tây Bắc, hương hoa ban thơm nhẹ nhàng, phản phất trong gió mang đến một cảm giác lâng lâng, thú vị cho du khách khi ghé thăm vùng đất này. Bên cạnh đó, hoa gạo đỏ thắm đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ cũng là hình ảnh khó quên đối với du khách khi có dịp du lịch miền Bắc. Hoa gạo còn có tên khác là hoa pơ lang, hoa mộc miên, tuy không mềm mại như hoa sưa, không thơm như hoa bưởi nhưng hoa gạo mang vẻ đẹp bình dị, gần gũi, gợi nhớ về các làng quê Việt Nam. Hoa gạo nở còn là dấu hiệu nhận biết thời điểm giao mùa từ xuân sang hè, rất có ích trong sản xuất nông nghiệp.

Đến vùng đất Tây Nguyên, bạn đọc sẽ bắt gặp những rẫy cà phê với hoa nở rộ, thời gian này cũng chính là mùa ong đi lấy mật, một khung cảnh hết sức ấn tượng.

Đến với miền Tây Nam bộ khoảng cuối tháng ba cũng là lúc cây ô môi trút lá và bung nở những chùm hoa rực rỡ tưởng chừng như cây chỉ có hoa mà không có lá giống như những cây hoa anh đào ở Nhật Bản. Đến đây, du khách sẽ choáng ngợp trước những con đường quê ngập tràn sắc hồng kiêu sa.

Mùa hè:

Đến xứ Huế những ngày đầu hạ, bạn đọc sẽ bắt gặp những mảng hồng rực sắc. Đó là những nhành hoa ngô đồng đến độ nở hoa đẹp nhất khi đất trời cố đô chuyển giao từ mùa xuân sang mùa hạ. Nó được ví như một trong những loài “kỳ hoa dị thảo” đặc biệt quý hiếm. Tới Thủ đô Hà Nội những ngày này, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những đóa hoa loa kèn trắng tinh khôi, mỏng manh trên những chiếc xe hàng rong khắp phố phường.

Cũng trong thời gian này là lúc khắp các con đường ở Đà Lạt lại thay màu áo mới, lãng mạn, đằm thắm vô cùng. Sắc tím của hoa phượng tím thời gian này gần như chiếm trọn trái tim du khách. Hoa phượng tím có màu tím lãng mạn, hình ống, cánh mềm, đong đưa trước gió báo hiệu mùa hè đã đến với xứ sở ngàn hoa.

Bên cạnh đó, bằng lăng, phượng đỏ là hai loài hoa gắn liền với tuổi học trò. Những ngày đầu tháng năm, hoa phượng nở một màu đỏ rực cả một góc trời Những cánh bằng lăng tím mỏng manh, mang nét đẹp hồn nhiên, ngây thơ của thời cắp sách. Cùng với hoa phượng đỏ, hoa bằng lăng tím, hoa điệp vàng cũng làm cho mùa hè trở nên chói chang và ý nghĩa hơn.

Tác giả cũng không quên dẫn dắt bạn đọc đến với “thủ phủ sen hồng” Đồng Tháp - một loài hoa chỉ nở vào mùa hè. Trong ký ức của người dân nơi đây, sen là niềm tự hào, thể hiện vẻ đẹp thanh cao và trong sáng.

Mùa thu:

Hà Nội tháng tám là thời điểm trời đất giao mùa từ hạ sang thu với “mùa hoa sữa về, thơm lừng cơn gió” như lời bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và ấn tượng nhất trong sắc thu Hà Nội là hàng cây cơm nguội vàng cũng được cố nhạc sĩ nhắc tới trong bài hát này. Bên cạnh đó, hoa cúc, tuy nở suốt bốn mùa, nhưng rực rỡ nhất vẫn là mùa mùa thu vì trong khi các loài hoa khác không còn nở thì hoa cúc vẫn tươi sáng và khoe sắc tô đẹp cho không gian đất trời suốt cả mùa thu.

Ở miền Tây Nam bộ, tác giả có giới thiệu một loài hoa với mệnh danh “mai vàng mùa lũ” - một loài hoa chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi. Chúng khoe sắc vàng rực rỡ giữa nền xanh của bầu trời và nắng của đất phương Nam, đó là bông điên điển. Mỗi năm bông chỉ nở một lần vào mùa nước lũ và kéo dài đến hai, ba tháng. Khi nước rút cũng là lúc bông tàn để kết trái cho mùa sau. Bông điên điển cũng là một trong những nguyên liệu chính để thực hiện nên những món ăn chỉ có ở miền Tây.

Mùa đông:

Nếu như những ngày cuối thu, ở Hà Giang có hoa tam giác mạch, hay ở Hà Nội chuẩn bị mùa cúc họa mi, thì vùng đồng bằng sông Cưu Long có những cánh đồng hoa súng thân thương và bình dị. Hoa súng không chỉ đẹp mà thân cây còn là một loại rau không thể thiếu  của những món ăn đặc sản của vùng sông nước. Cùng với hoa súng, từng chùm hoa so đũa màu trắng bay rung rinh trong gió khi tiết trời bắt đầu se lạnh, và đây cũng là đặc sản được người dân ưa chuộng.

Đến Mộc Châu những ngày đầu đông, bạn đọc sẽ bắt gặp những thung lũng hoa cải trắng phủ kín khắp quả đồi. Mỗi chùm hoa nhỏ li ti ấy chứa đựng biết bao mật ngọt thu hút vô số ong bướm đến hút nhụy.

Những ngày đông giá lạnh cuối năm, đường phố Hà Nội trở nên ấm áp và đẹp lạ kỳ với những cây bàng cùng thay lá đỏ. Cũng tại Thủ đô, bạn đọc có thể bắt gặp những cây trạng nguyên đỏ rực, báo hiệu mùa Giáng sinh đang tới.

Khác với nhiều nơi mùa đông lá rụng hoa tàn thì Đà Lạt vào mùa đông lại là thiên đường của muôn vàn sắc hoa có sắc trắng tinh khôi của những bông hoa cải, sắc vàng rực rỡ của dã quỳ, hướng dương và không thể thiếu sắc màu quyến rũ của những đồi cỏ hồng. Điều đặc biệt khiến người ta say mê cỏ hồng chính là vẻ đẹp của nó liên tục biến đổi theo ánh sáng và thời gian.

Và còn rất nhiều loài hoa khác cũng được nhà báo nhắc đến trong tản văn của mình như: Hoa hải đường, Hoa điệp anh đào, Hoa tầm xuân, Hoa xoan, Hoa bưởi… (mùa Xuân); Hoa trấu, Hoa cau, Hoa sim tím, Hoa nhài, Hoa sứ…(mùa Hạ); Hoa lộc vừng, Hoa bìm bìm, Hoa tre, Hoa xương rồng, Hoa dừa…. (mùa Thu), Hoa trinh nữ, Hoa mimosa, Hoa cúc họa mi…(mùa Đông).

Quyển sách Việt Nam 12 mùa hoa là một bức tranh đa sắc màu về các loài hoa của Việt Nam. Hy vọng bạn đọc sẽ có được những phút giây phiêu lưu và thư giãn, quên đi mọi ưu phiền, lo toan của cuộc sống bên những luống hoa muôn màu muôn vẻ trong quyển sách này.

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

                                                                   Ký hiệu: 895.9228408/ V308N

Thùy Nhung

Video