Chuyên mục
Hình ảnh liên kết
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
17
104331912

Thanh toán không dùng tiền mặt dần trở thành thói quen

03/06/2023 08:46 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Thanh toán không dùng tiền mặt dần trở thành thói quen

1_3_6_2023.png
Thanh toán không dùng tiền mặt ở một cửa hàng tại TP Vĩnh Long.

(VLO) Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ngày càng phổ biến và dần trở thành thói quen của không ít người tiêu dùng. Tại các siêu thị, cửa hàng, chợ, quán cà phê, tạp hóa... đều thấy TTKDTM.

TTKDTM là hình thức thanh toán sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: Ví điện tử, MobileBanking, InternetBanking... hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng thay việc người mua và người bán trực tiếp trao đổi với nhau.

TTKDTM nhằm hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ.

Thay vào đó là việc phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp về thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử.

Tiền mặt là tiền vô danh, nhưng tiền thẻ hay tiền điện tử là tiền định danh nên nếu mất tiền mặt là mất tiền, còn mất thẻ hay mất ví điện tử vẫn không bị mất tiền vì đều có mã riêng mà đối với người nhặt được chỉ là vật vô giá trị.

TTKDTM mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, như nhanh chóng thanh toán các giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch ở xa tránh được các rủi ro nếu phải mang tiền mặt đến nơi nhận hàng, nhất là khi phải trả các khoản tiền lớn.

Khi TTKDTM, người tiêu dùng có thể nhận được nhiều khuyến mãi từ người bán cũng như từ ngân hàng...

“Quét QR” thanh toán tại một shop giày thuộc Phường 1 (TP Vĩnh Long), chị Thái Ngọc Trang (ở xã Phú Lộc, huyện Tam Bình) cho biết, thời gian gần đây khi đi mua sắm chị rất ít mang theo tiền mặt vì hầu hết các điểm bán đều có thanh toán chuyển khoản, thanh toán thẻ.

Trong đó, chị “thích nhất thanh toán qua QR vì chỉ cần quét là có sẵn các thông tin cần chuyển, rất nhanh chóng”.

Cũng chuộng TTKDTM, chị Bùi Thanh Tuyền (ở phường Cái Vồn, TX Bình Minh) cho biết: “Giờ mua hàng ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà sách, nhà thuốc… cũng có thể chuyển khoản, quẹt thẻ nên đỡ lo đi rút tiền, giữ tiền và cả vấn đề vệ sinh, phòng dịch bệnh”.

Hào hứng khi đi chợ Vĩnh Long mua trái cây mà “không cần mang theo tiền”, chị Nguyễn Thị Kim Thùy (ở Phường 2, TP Vĩnh Long) vui vẻ nói: “Thay vì rút tiền rồi mới đi chợ thì giờ đây có thể ra chợ mua rồi chuyển khoản, thật tiện lợi!”.

Ra mắt mô hình “Chợ 4.0- TTKDTM” từ tháng 12/2022 đến nay, việc TTKDTM đang được các tiểu thương chợ Vĩnh Long hưởng ứng (với khoảng 240 tiểu thương, chiếm tỷ lệ 34,3% tham gia trở thành điểm chấp nhận thanh toán của Viettel Money).

Ông Nguyễn Đăng Hùng- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, từ tháng 6/2021, khi dịch vụ chuyển nhanh Napas 247 bằng mã VietQR do NAPAS phối hợp các ngân hàng thành viên triển khai, dịch vụ này đã có sự tăng trưởng ấn tượng.

Nguyên nhân là do quét mã VietQR để chuyển tiền mang đến sự tiện lợi, nhanh chóng và chính xác cho người tiêu dùng.

Theo ông Hùng, người dân sử dụng điện thoại di động cho các giao dịch tài chính ngân hàng nhiều hơn, mua hàng hóa dịch vụ, thanh toán tiện ích, chuyển tiền chủ yếu qua ứng dụng ngân hàng di động hoặc qua ứng dụng ví điện tử để thay cho tiền mặt.

Ông Phạm Anh Tuấn- Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) đánh giá, chưa bao giờ hoạt động TTKDTM phát triển mạnh mẽ như hiện nay. So với cùng kỳ năm ngoái, 3 tháng đầu năm nay giao dịch TTKDTM tăng 53,5% về số lượng.

Trong đó, thanh toán qua kênh internet tăng hơn 88% về số lượng và 7,4% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 65,5% về số lượng và 13,3% về giá trị.

Đặc biệt, thanh toán qua phương thức QR code tăng mạnh mẽ nhất với 160,7% về số lượng và 43,8% về giá trị; qua POS tăng 37,5% về số lượng và 32% về giá trị. Riêng giao dịch qua ATM giảm 2,73% về số lượng và 4% về giá trị.

Bên cạnh đó, sau hơn 1 năm triển khai thí điểm dịch vụ tài khoản mobile money- dùng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, đến nay cả nước có 3,71 triệu tài khoản mobile money với hơn 8.800 điểm kinh doanh và 15.300 điểm chấp nhận thanh toán.

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết nhiều ngân hàng có tỷ lệ trên 90% giao dịch trên kênh số, cho thấy người dân đã quen với việc sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại.

Theo baovinhlong.com.vn

Hình ảnh liên kết