Chuyên mục Sở kế hoạch đầu tư
Hình ảnh liên kết
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
4
5998236

Tỉnh Vĩnh Long ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

14/06/2022 07:00 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã có 66/87 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 75,9% số xã toàn tỉnh; 21 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 24,1%; thị xã Bình Minh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới đã đạt trong thời gian tới, vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh long đã ban hành Quyết định số 1033/QĐ-UBND ngày 27/5/2022 về kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

 Mục tiêu của kế hoạch là nhằm tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Cụ thể: Phấn đấu đến cuối năm 2025 toàn tỉnh có 03/7 huyện/thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, chiếm 42% số huyện/thị xã; có 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới tương đương 74/87 xã, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tương đương 30/74 xã, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu tương đương 8/74 xã.

* Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Nhóm giải pháp về tuyên truyền: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng NTM, trong đó chú trọng tuyên truyền để người dân biết và phát huy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, đem lại sự chuyển biến tích cực, rõ nét ngay từng hộ gia đình, từng xóm ấp. Trong đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền trên môi trường mạng (trang thông tin điện tử của xã, các kênh mạng xã hội.); Thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng. Mở cuộc vận động về xây dựng nông thôn mới, quán triệt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành để huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia, trong đó cấp ủy Đảng, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, người dân đóng vai trò chủ thể cùng với các tổ chức chính trị xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới.

- Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách: Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM, đảm bảo đồng bộ, linh hoạt và phù hợp với từng nhóm xã (xã phấn đấu đạt chuẩn NTM; xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao; xã phân đâu đạt chuân NTM kiểu mâu...).Nâng cao hiệu quả đầu tư của các nguồn lực, đảm bảo không chồng chéo, không lãng phí các nguồn lực đầu tư trong xây dựng NTM.

- Nhóm giải pháp về phát triển sản xuất: Tập trung phát triển sản xuất, dịch vụ gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó:

+ Thực hiện nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”; chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường tiêu thụ.

+ Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

+ Đổi mới phương thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn đào tạo nghề với triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cụ thể, theo nhu cầu hoặc dự án đầu tư ở nông thôn của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.

- Nhóm giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị. Coi trọng hình thức hợp tác đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong xây dựng hạ tầng thiết yếu ở nông thôn (giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế xã,...), tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn. Tập trung nguồn lực, tạo điều kiện thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các tiêu chí hạ tầng trên địa bàn các xã.

- Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn: Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất y tế, giáo dục, văn hóa và môi trường thiết thực đối với người dân, tạo điều kiện để phát triển các hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao trên địa bàn xã, ấp. Tập trung giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt (phân loại rác tại nguồn...); xử lý môi trường trong sản xuất (thuốc bảo vệ thực vật, nước thải chăn nuôi, nước thải khu - cụm công nghiệp...) và trồng cây phủ xanh các công trình công cộng (đường giao thông, trường học, trung tâm văn hóa xã, trụ sở cơ quan, đơn vị...) để tạo dựng cảnh quan môi trường nông thôn thực sự “xanh - sạch - đẹp”. Thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự xây dựng khu dân cư (xã, ấp) đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”. Xây dựng và nhân rộng mô hình tự quản bảo vệ an ninh trật tự ở xóm, ấp.

- Nhóm giải pháp về huy động nguồn lực: Huy động tối đa các nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Các khoản đóng góp của nhân dân phải được thực hiện theo từng dự án cụ thể và theo nguyên tắc tự nguyện, do Hội đồng nhân dân xã thông qua.

Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn phải gắn với phát triển đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, trường học, điện, y tế, nước sạch, cơ sở vật chất văn hóa... để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho dân cư nông thôn. Việc bố trí vốn đầu tư công phải đồng bộ với mục tiêu, lộ trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 của tỉnh và không để phát sinh nợ động trong xây dựng cơ bản.

- Nhóm giải pháp về kiểm tra, giám sát: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng NTM; phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng NTM. Tiếp tục kiện toàn bộ máy tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ và hiệu quả. Định kỳ hàng quý, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo huyện và huyện báo cáo về Ban Chỉ đạo tỉnh (thông qua Văn phòng Điều phối Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh) để tổng hợp, báo cáo cấp trên theo quy định. Tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm và triển khai kế hoạch thực hiện trong thời gian tiếp theo.

Tổng nhu cầu vốn dự kiến để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 2.026,760 tỷ đồng được sử dụng từ ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Hồng Diễm (1.033/QĐ-UBND)

Văn Bản Mới
Hình ảnh liên kết